Đọc bài báo “Từ chuyện 10 tỷ đồng một giống lúa” của phóng viên Công Phiên trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 14-6-2008, tôi lại nhớ tới câu nói vui của một vị giáo sư khá nổi tiếng của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đó là Hà Nội có “ngã ba nói dối”.
Chúng tôi đã hỏi vị giáo sư, vì sao người ta lại đặt tên như vậy, vị giáo sư này trả lời: “Ở đó có tới hai viện nghiên cứu và một cơ quan dự báo thời tiết”. Do công việc của hai viện nghiên cứu và cơ quan dự báo thời tiết chưa thiết thực với đời sống nên người ta đặt tên trên (vừa là ngã ba đường vừa là nơi làm việc của ba cơ quan). Cũng do được bao cấp trong nghiên cứu khoa học nên không ít công trình nghiên cứu hao tiền tốn bạc của nhà nước, nhân dân nhưng vẫn phải xếp xó không xài được, và việc dự báo của cơ quan thời tiết đúng trật gì cũng không có ai phải chịu trách nhiệm. Rất tiếc tình trạng này vẫn còn khá phổ biến ở một số viện nghiên cứu và cơ quan tham mưu của nhà nước.
Tại sao một người nông dân bình thường lại có thể sáng chế được chiếc máy cắt lúa trong khi các nhà khoa học vẫn nợ những người công nhân vệ sinh đô thị những chiếc máy nạo vét cống rãnh trong thành phố? Vì sao các nhà khoa học Việt Nam vẫn chưa tìm ra loại phương tiện vận tải phù hợp để thay thế các loại xe ba bốn bánh tự chế? Phải chăng do được bao cấp nguồn vốn nghiên cứu nên các nhà khoa học chưa ra tay?
Từ thông tin Công ty TNHH Cường Tân vừa mua bản quyền sử dụng giống lúa lai 2 dòng TH3-3 của Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm với giá 10 tỷ đồng, tôi thấy nhà nước nên xóa bỏ bao cấp trong nghiên cứu khoa học. Nhà nước nên đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu như phòng chống thiên tai bão lũ, phòng chống ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, phòng chống ô nhiễm môi trường nước và không khí… Chỉ khi nào các công trình nghiên cứu khoa học được sử dụng, khi đó mới được nhà nước “giải ngân” hoặc trả tiền (cả vốn và lời).
H.T (TPHCM)