Lực lượng này đã mạnh hơn nhiều so với dự đoán. Tàn bạo hơn, thách thức hơn. Tỷ lệ binh sĩ Afghanistan tử vong tăng cao. Tỷ lệ dân thường thương vong trong 6 tháng đầu năm 2017 cũng tăng cao nhất kể từ khi LHQ tiến hành thống kê.
Theo ông Michael Kugelman, Phó giám đốc chương trình châu Á và là ủy viên cao cấp về Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu học thuật Woodrow Wilson ở Washington, D.C, về mặt thể chế, tổ chức này vốn không phải là một mặt trận thống nhất do có sự đấu đá nội bộ, các phe phái xung đột từ các vấn đề chuyển tiếp lãnh đạo đến hòa giải với chính phủ Afghanistan. Trong gần hai thập kỷ, quân Afghanistan và các đồng minh nước ngoài gần như đã loại trừ Taliban.
Tuy nhiên, Taliban giờ đã là một tổ chức khác so với những năm 90 của thế kỷ trước. Theo tạp chí Foreign Affairs, Taliban ngày nay được điều hành bởi Haibatullah Akhunzada, cựu thủ lĩnh của Hội đồng Ulema Taliban, cơ quan tôn giáo cao nhất của nhóm.
Họ tự quảng cáo trên các trang web, cập nhật thông tin trên Twitter và các tạp chí có tiếng dù vẫn thường xuyên đàn áp những dân thường sử dụng các công nghệ tương tự. Quy mô tổ chức cũng khoa học hơn, các cấp cao nhất hướng dẫn và giám sát chiến lược trong khi các quan chức quân sự và chính sách đưa ra các quyết định về chiến thuật hoạt động.
Tuy đã mất đi 2 lãnh đạo chủ chốt trong vài năm qua nhưng Taliban đã biết cách duy trì được sự thống nhất cao. Hiện Taliban kiểm soát hoặc gần như kiểm soát 40%-50% của gần 400 quận của Afghanistan, nhiều nhất kể từ khi Mỹ đưa quân vào nước này vào năm 2001.
Một trong những yếu tố tạo điều kiện cho sự trỗi dậy là chính phủ không hiệu quả. Chính phủ Afghanistan đã thất bại trong việc thuyết phục người dân rằng họ là sự thay thế tốt hơn cho Taliban. Tranh chấp nội bộ, tham nhũng, tỷ lệ thất nghiệp cao, thiếu các dịch vụ cơ bản, an ninh không được đảm bảo… khiến người dân thất vọng.
Quân Taliban đã biết lợi dụng triệt để bất lợi này. Trong khi đó, chính sách của Mỹ rất rõ ràng: không thể làm cho khủng bố biến mất ở Afghanistan chỉ bằng cách tăng cường chiến đấu trên thực địa và đóng cửa các chỗ trú ẩn ở Pakistan.
Thay vào đó, cần đối thoại để giúp giải quyết các vấn đề bất ổn trong chính phủ Afghanistan, giảm căng thẳng với các đối thủ trong khu vực và cải thiện nền kinh tế đã suy thoái nặng nề. Tăng trưởng kinh tế đã giảm mạnh từ 14% năm 2012 xuống còn 1,5%.
Như ở Colombia, FARC cuối cùng đã đồng ý đàm phán hòa bình nghiêm túc sau khi hơn 200.000 người đã chết, hàng triệu người phải sơ tán và hàng ngàn thường dân bị mất đất.
Lãnh đạo FARC Timoleon Jimenez từng thừa nhận: “Việc tiếp tục xung đột sẽ kéo theo nhiều cái chết và sự hủy diệt, đau buồn và lầm than hơn… Hãy tưởng tượng những mạng sống có thể đã được cứu trong mười năm qua. Vì vậy, chúng tôi tìm kiếm đối thoại, một giải pháp không đổ máu”.
Đã đến lúc các lãnh đạo Taliban phải đi đến một kết luận tương tự. Ngoài chính phủ Afghanistan và Taliban, có thể sẽ cần những nỗ lực của Mỹ, LHQ và các đối tác khu vực, đặc biệt là Pakistan.