
Nắm được điểm yếu, thiếu thông tin, của người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), những kẻ lừa đảo đã dựng lên rất nhiều kịch bản khác nhau, đánh vào tâm lý thích lương cao, công việc không nặng nhọc, được làm việc ở các nước có mức sống cao. Nhiều người tin vào lời đường mật dụ dỗ, chỉ đến khi tiền mất, nợ ngập đầu mới vỡ lẽ là đã bị lừa.

Minh họa: A.Dũng
Đẩy người nghèo vào đường cùng
Đi XKLĐ là giải pháp thiết thực, mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình người lao động và còn góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội. Nhờ số tiền dành dụm tích lũy trong thời gian lao động ở nước ngoài, nhiều người trở về nước đã có vốn liếng để tổ chức cuộc sống ổn định. Cũng qua XKLĐ, một số người lao động đã có cơ hội tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cung cách quản lý hiện đại, rèn luyện tác phong công nghiệp trong công việc.
Thế nhưng thời gian gần đây đã có nhiều người lao động nghèo mong muốn có cơ hội cải thiện cuộc sống bằng con đường XKLĐ, lại bị nạn lừa đảo XKLĐ, đẩy họ rơi sâu thêm vào cảnh nợ nần chồng chất. Có nhiều tổ chức, cá nhân đã ngấm ngầm, thậm chí công khai đứng ra thông báo tuyển người có nhu cầu đi XKLĐ rồi lừa đảo chiếm đoạt tiền thu chi phí, dịch vụ. Dù không có chức năng tuyển chọn, môi giới cung ứng XKLĐ nhưng Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần Thương Mại (địa chỉ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn đứng ra nhận hơn 2,63 tỷ đồng của nhiều người với cam kết sẽ làm thủ tục cho họ đi lao động tại Nhật Bản, Canada… Nhưng rồi Thuận chiếm đoạt số tiền này và bỏ trốn.
Cũng với thủ đoạn như vậy, nhưng Nguyễn Đức Thái (ngụ tại Gò Vấp, TPHCM) không cần mác giám đốc vẫn dễ dàng lừa đảo 9 thanh niên đồng hương Quảng Ngãi, thu lệ phí 2.000 USD/người để làm thủ tục đưa họ sang lao động tại Singapore, nhưng thu tiền rồi Thái cao chạy xa bay. Mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra quyết định truy nã Nguyễn Thị Mỹ (ngụ Vĩnh Cửu, Đồng Nai) về hành vi lừa đảo 215 người đi lao động tại Australia để chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.
Thủ đoạn của Mỹ khá tinh vi, Mỹ tung tin có quen biết chủ một nông trại ở Australia đang cần nhân công hái nho với mức lương 3.000 USD/tháng. Nếu ai có nhu cầu, Mỹ sẽ lo giúp XKLĐ “chui”, chi phí khoảng 13 triệu đồng/người, sau tăng lên 25 triệu đồng/người. Thủ tục đơn giản, không cần đòi hỏi tay nghề hay sức khỏe tốt, mỗi người chỉ cần một bản sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương. Vậy là nhiều người nghèo, không chỉ thanh niên mà cả những người độ tuổi trung niên cũng hy vọng cơ hội thoát cảnh nghèo bằng cách dễ dàng này và mạnh dạn vay nợ để đi Australia. Thậm chí một số người còn vô tình tiếp tay cho Mỹ khi đứng ra quảng cáo, giới thiệu những người thân quen của mình trở thành nạn nhân của Mỹ. Cũng như các vụ lừa đảo XKLĐ khác, sau khi gom tiền, Mỹ biến mất.
Được biết, trong vòng 4 năm qua, ngành tòa án đã xét xử hàng trăm vụ chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lừa đảo XKLĐ. Rất nhiều người nghèo đã vay mượn tiền để nộp cho kẻ lừa đảo vì tưởng rằng có cơ hội đi làm việc ở các thị trường lương cao. Kết cục chẳng đi được, tiền mất, đòi lại không được vì kẻ chủ mưu đã bỏ trốn. Không tiền trả nợ, những nạn nhân lâm vào đường cùng, chỉ còn cách viết đơn tố cáo với ngành chức năng nhờ can thiệp.
Đừng để có thêm nạn nhân
Thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong lĩnh vực XKLĐ rất linh hoạt. Nhằm tạo lòng tin cho người lao động, chúng thường làm giả hồ sơ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài, có dấu giả và chữ ký của lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc Trung tâm Lao động ngoài nước. Chúng còn giả danh cán bộ của các doanh nghiệp XKLĐ về tận các vùng quê tuyển người. Một số đối tượng còn không ngần ngại thông qua các trang mạng để công khai rao tuyển người XKLĐ, đồng thời tung các “chân rết” xuống từng địa phương, thông qua mối quan hệ quen biết, họ hàng xa gần để mời chào đi XKLĐ. Cách thức chiêu dụ là rỉ tai, dụ dỗ ngon ngọt rằng môi trường làm việc rất tốt, lương cao, công việc nhẹ nhàng… Nhiều người muốn đi XKLĐ nhưng thiếu hiểu biết, thông tin ít ỏi, nên rất dễ sập bẫy.
Để khỏi gặp nạn lừa đảo, người lao động có nhu cầu XKLĐ nên tìm hiểu thông tin đầy đủ thông qua các cơ quan, đơn vị được phép tuyển dụng XKLĐ; liên hệ trực tiếp với văn phòng các công ty XKLĐ có uy tín, được cấp phép tuyển dụng. Qua các vụ lừa đảo XKLĐ liên tục diễn ra, cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước chưa làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty môi giới XKLĐ. Do vậy, Bộ LĐTB-XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước và các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ hơn nữa trong việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vụ lừa đảo XKLĐ.
| |
Đỗ Thông – Hải Minh