Từ thư bạn đọc

Cảnh giác với nhà báo dỏm

Bức xúc về những “nhà báo đi kiếm ăn”
Cảnh giác với nhà báo dỏm

Liên tục trong mấy ngày qua, nhiều nhà báo, doanh nghiệp, nhân viên PR... xôn xao về một bức thư điện tử liệt kê 7 nhân vật rất “chuyên nghiệp” trong việc “dùng name card dỏm, giả danh nhà báo của bất kỳ tờ báo nào để dự hội nghị, họp báo, lấy phong bì…”. Theo tìm hiểu của PV SGGP, cách đây 10 năm, một nhân vật được nêu trong bức thư trên đã sử dụng thẻ giả danh làm Đặc phái viên của Báo Diễn đàn Doanh nghiệp (DĐDN)! Một nhân vật khác trong bức thư đã từng bị bắt quả tang khi xuất hiện với “vai trò” nhà báo tại một buổi họp báo tổ chức ở Hội Nhà báo TPHCM.

Bức xúc về những “nhà báo đi kiếm ăn”

Cảnh giác với nhà báo dỏm ảnh 1

Tác giả bức thư viết, “Người cung cấp văn bản này đã mất hơn 1 năm thu thập, nhờ vả, xin ảnh và xác minh từ nhiều nhà báo chân chính. Họ (7 nhân vật trong bức thư) chỉ lừa dối bằng lời nói hoặc bằng name card giả. Họ không chịu làm việc chân chính bằng mồ hôi và sức lao động.

Họ làm mất uy tín nghề báo, người làm báo; làm rối loạn và gây thiệt hại hội nghị, buổi họp báo, làm mất uy tín ban tổ chức tổ chức sự kiện… Do thật tình và tôn trọng nhà báo nên cứ ai nói là nhà báo thì tôi đưa tài liệu, có gởi chút ít bồi dưỡng. Không ngờ sau khi về kiểm tra, hơn 70 phong bì mà tôi phát ra thì chỉ có 20 người là liên lạc lại được theo name card, còn lại 50 cái name card là giả mạo.

Kết quả, công ty cho rằng tôi kém năng lực tổ chức, phải đền bù lại số tiền đưa không đúng nhà báo. Tôi kiểm tra lại nhiều lần thì đúng là không cơ quan báo chí nào nhận họ (những người đưa name card rồi lấy phong bì nhưng không liên lạc lại được)...”.

Tác giả bức thư buồn bã và bức xúc: “Họ lì lợm, lẻn ra lộn vào hội nghị rất nhiều lần với nhiều tên, nhiều báo khác nhau sau khi đã thay đổi chút ít hình thức để lấy phong bì nhiều lần. Thậm chí, họ còn giành giật, xin phong bì một cách rất thô bỉ”. Tuy không nói rõ tên tuổi của mình nhưng đặt trong bối cảnh nhiều nơi như TPHCM, Tây Ninh, Long An… phát hiện, bắt giữ một số nhà báo dỏm, tác giả bức thư đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng giả danh nhà báo.

Điểm mặt nhân vật “tiêu biểu”

Bức thư đã liệt kê tên tuổi, hình ảnh của 7 “nhà báo”, trong đó có, “nhà báo” Đ.Đ.K. (SN 1961, ngụ quận 5), một người “tính khá liều lĩnh, hung hăng, hay to tiếng và huênh hoang mình là nhà báo lâu năm”.

Từ những thông tin của bức thư, PV SGGP đã trao đổi với Cục Bảo vệ An ninh nội bộ và Văn hóa tư tưởng (A25 - Tổng cục An ninh, Bộ Công an) và được biết, do có quen biết với N.P.M. (cộng tác viên từ tháng 2 tới tháng 6-1998 của Báo DĐDN), được M. đưa cho thẻ Đặc phái viên đã in và dán ảnh sẵn nên K. đã đi làm con dấu Văn phòng đại diện Báo DĐDN phía Nam và con dấu tên chị Ngô Thị Hà (quyền trưởng đại diện văn phòng đại diện Báo DĐDN phía Nam lúc đó).

Sau đó, K. tự ý giả mạo chữ ký của chị Hà ký và đóng dấu vào thẻ. Đến khoảng tháng 8-1998, M. nói với K. là thẻ Đặc phái viên mà K. đang sử dụng là giả, không sử dụng được.

Cảnh giác với nhà báo dỏm ảnh 2

Từ sự phản ánh K. đang sử dụng thẻ Đặc phái viên là trái với quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) A25 đã mời K. lên làm việc. Qua xác minh được biết, K. là cộng tác viên cũ của Báo Công an Nhân dân (CAND), sau đó in danh thiếp là phóng viên Báo CAND để đi bịp doanh nghiệp lấy tiền nên bị Báo CAND đuổi việc.

K. có gọi điện thoại xưng là phóng viên kinh tế của Báo CAND để xin làm cộng tác viên của Báo DĐDN nhưng Báo DĐDN không nhận K. Báo DĐDN cũng không cấp loại thẻ Đặc phái viên cho cộng tác viên của báo và báo cũng không có bất kỳ loại thẻ nào cho cộng tác viên.

Năm 1999, tại cơ quan an ninh, K. khai nhận “Đã học qua nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cấp phường và quận (!). Vì làm công tác báo chí đã lâu mà chưa có thẻ nên bị anh em đồng nghiệp cùng thời chê trách, bản thân lại hay tự ái, không hiểu biết được mức nghiêm trọng của vấn đề dẫn đến tự ý làm mộc (dấu của văn phòng đại diện Báo DĐDN và dấu tên chị Hà - PV).

Sau đó, K. nộp lại cho A25 tấm thẻ Đặc phái viên mà K. và M. đã làm để sử dụng tạm thời. Đồng thời, K. cũng giao nộp 2 con dấu. Cơ quan an ninh nhận định, tuy hành vi của K. có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng hậu quả gây ra chưa lớn, chỉ là cơ hội muốn có thẻ để hoạt động báo chí được dễ dàng hơn. Vì thế lúc đó, A25 tiến hành lập biên bản cảnh cáo đối với Đ.Đ.K.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV SGGP, một “nữ nhà báo” khác tên Thu H. trong bức thư trên đã từng bị bắt quả tang ngay tại trụ sở Hội Nhà báo TPHCM (quận 1) khi đang đưa danh thiếp in là phóng viên của Thời báo Kinh tế VN với tên Hoài Hương để nhận tài liệu và phong bì trong một buổi họp báo do Ban Công tác người Hoa TPHCM tổ chức vào ngày 9-11-2008. Lúc đó, một phóng viên của Thời báo Kinh tế VN kịp thời phát hiện hành vi giả danh và la lên cho mọi người biết. Theo số điện thoại nêu trong bức thư trên, chiều ngày 7-1, PV SGGP liên lạc tới nam “nhà báo” khác có tên Đông H. thì một giọng nữ bắt máy.

 Xin gặp Đông H. thì người này nói anh H. đi vắng. Tuy nhiên, khi chúng tôi nói muốn liên lạc với anh H. vì sáng mai có một buổi họp báo, muốn rủ anh ấy đi cùng thì người nữ chuyển ngay máy cho Đông H. “Nhà báo” Đông H. cho biết, anh không hề bất ngờ với bức thư trên và cho rằng thông tin trên là… vu khống, bịa đặt. Khi PV SGGP đề cập, nếu là vu khống nhằm làm hại danh dự của anh thì anh có động thái nào để bảo vệ danh dự của mình thì “nhà báo” Đông H. trả lời là… “kệ” vì trước đó… đã nhận nhiều phản hồi như vậy, hơn nữa, bây giờ đã nghỉ cộng tác với báo X. rồi”.

Các nhà báo chân chính đã bị xúc phạm

Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, có thể gọi việc sử dụng name carde giả danh nhà báo là vấn nạn nghề nghiệp, cần báo động về mặt pháp luật và cơ quan quản lý báo chí nên quản lý chặt chẽ hơn vấn đề này. Khi nhà báo dùng thẻ nhà báo làm việc là thực hiện nhiệm vụ hết sức cao quý của người cầm bút, việc giả danh nhà báo là sự xúc phạm đến người làm báo chân chính.

Đường Loan

Tin cùng chuyên mục