Cao ốc Lancater Lincol xây ngược quy trình

Công trình cao ốc căn hộ - thương mại Lancaster Lincol (địa chỉ 428-430 Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4, TPHCM) đã xây dựng ngược quy trình, thi công xong mới cấp giấy phép. Liệu việc này có bảo đảm an toàn khi cao ốc Lancaster Lincol  đưa vào sử dụng? 
Cố tình làm sai  
Công ty TNHH Trung Thủy, chủ đầu tư dự án cao ốc Lancaster Lincol , cho biết dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích 8.411m2, quy mô 2 tòa tháp cao ốc căn hộ 40 tầng, 1 cao ốc văn phòng 8 tầng và 2 tầng hầm; với tổng cộng 586 căn hộ và 274 căn officetel.
Công trình này đã được khởi công xây dựng từ tháng 9-2017, do Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình làm thầu chính thi công. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2019. 
Theo thông tin từ UBND quận 4, ngày 6-9-2017, UBND phường 18 đã tiến hành kiểm tra, phát hiện công trình khởi công xây dựng khi chưa có giấy phép. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính số 58/BB-VPHC về hành vi xây dựng công trình không phép.
Tiếp đó, UBND phường 18 ra Quyết định 234/QĐ xử phạt hành chính, buộc ngưng thi công, nhưng chủ đầu tư không tuân thủ, vẫn tiếp tục cho thi công. Vì vậy, đoàn kiểm tra cấp quận đã vào cuộc, tiếp tục kiểm tra, lập biên bản và UBND quận 4 đã ra Quyết định 1489/QĐ xử phạt đối với hành vi xây dựng công trình không phép, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư ngưng thi công trong thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo luật định.
Cao ốc Lancater Lincol xây ngược quy trình ảnh 1 Công trình cao ốc căn hộ - thương mại Lancaster Lincol  được cấp phép để hợp thức hóa vi phạm 
Ngày 18-10-2017, đoàn kiểm tra phát hiện nhà thầu vẫn thản nhiên tiếp tục thi công công trình. Trước sự cố tình vi phạm của chủ đầu tư và nhà thầu thi công, ngày 27-11-2017, đoàn kiểm tra gồm UBND phường 18, Đội Thanh tra địa bàn quận 4 và Đội Thanh tra cơ động (Sở Xây dựng TPHCM) đã kiểm tra, đình chỉ thi công công trình. Tuy nhiên, đến thời điểm này các hạng mục móng, hầm của cao ốc đã cơ bản hoàn thành. 
Bà Nguyễn Thị Hoàng Trang, Chánh Văn phòng UBND quận 4, cho biết: Sau 3 tháng công trình dự án cao ốc Lancater Lincol khởi công xây dựng không phép, bất chấp quyết định đình chỉ thi công của chính quyền phường và quận, ngày 8-12-2017 Sở Xây dựng TPHCM đã cấp giấy phép xây dựng 269/GPXD cho Công ty TNHH Trung Thủy xây dựng giai đoạn 1 - phần ngầm dự án.
Theo giấy phép, chủ đầu tư được xây dựng hạng mục công trình phần ngầm của dự án gồm 3 tầng hầm và sàn tầng 1, diện tích xây dựng tầng hầm 4.138m2; tổng diện tích sàn xây dựng phần ngầm 12.414m2.
Dư luận thắc mắc: Vì sao một dự án cao ốc quy mô lớn như vậy mà ngang nhiên xây dựng không phép, sai phạm có hệ thống, không tuân thủ các quyết định đình chỉ xây dựng, nhưng lại được Sở Xây dựng cấp giấy phép hợp thức hóa khi phần ngầm dự án đã xây xong? 
Hiểm họa khó lường 
Không phải chỉ đến khi xảy ra vụ cháy Carina Plaza thì vấn đề an toàn cho cư dân cao ốc chung cư mới được quan tâm. Luật sư Trần Đình Dũng, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, cho biết: “Vì tính chất hệ trọng, cấp thiết đối với sự an toàn của cư dân, Luật Xây dựng cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã quy định chặt chẽ vấn đề bảo đảm kỹ thuật công trình và an toàn khi xây dựng cũng như đưa vào vận hành các cao ốc.
Tại khoản 1, Điều 89 Luật Xây dựng quy định: Trước khi xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Chính vì thế, yêu cầu giấy phép xây dựng là điều kiện tiên quyết, bắt buộc trước khi chủ đầu tư tiến hành xây dựng công trình.
Luật Xây dựng quy định cấm khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định của luật này. Luật cũng có quy định tạo điều kiện cho chủ đầu tư khắc phục sai phạm bằng cách dừng thi công để bổ sung giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng khi chủ đầu tư đã xây dựng xong hạng mục phần móng, phần ngầm của công trình là vi phạm Luật Xây dựng”. 
Theo kỹ sư xây dựng Trần Văn Thường, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng số 9, công trình khu phức hợp Lancaster Lincol  xây dựng trên nền đất yếu, tầng hầm nhiều và sâu, khối tháp cao 40 tầng là nơi sinh sống, làm việc của hàng ngàn con người nên đòi hỏi các quá trình khảo sát địa chất, thiết kế kỹ thuật xây dựng, thi công và giám sát công trình phải theo đúng quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt.
Đối với phần ngầm nằm dưới lòng đất càng phải đòi hỏi nghiêm ngặt hơn nữa, vì chỉ một tính toán sai, một thiếu sót nhỏ trong quá trình thi công sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Vì thế, khi công trình đã xây dựng xong phần ngầm mới có giấy phép xây dựng là làm ngược quy trình, rất khó đảm bảo kỹ thuật, an toàn cho công trình. 
Đến lúc hạng mục móng, hầm của dự án đã xây dựng xong, Sở Xây dựng căn cứ vào cơ sở nào để thẩm định, cấp giấy phép, khi mọi thứ đã nằm dưới lòng đất? Hay chỉ dựa vào báo cáo của chủ đầu tư?
Hiện chủ đầu tư đang tiếp tục thi công tháp cao và các phần còn lại của công trình. Để bảo đảm kỹ thuật và bảo đảm an toàn cho công trình cao ốc này, rất cần kiểm tra, rà soát, kết luận rõ về việc xây dựng không phép rồi được cấp phép hợp thức hóa cho hành vi cố ý sai phạm này.

Tin cùng chuyên mục