Giá sữa cao lại được xới lên tại cuộc hội thảo do Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương vừa tổ chức tại Hà Nội. Thống kê giá sữa tại các siêu thị Việt Nam và giá sữa cùng loại do Thương vụ Việt Nam tại 10 nước cách đây một tuần cho thấy giá sữa nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam cao hơn 20%-60%, thậm chí có loại cao hơn 100%-150%!
Người tiêu dùng, đa số là đối tượng có thu nhập thấp, không cần biết chi tiết tại hội thảo người ta nói cái gì, chỉ thấy mình lại phải tiếp tục chịu đựng mức giá cao ngất ngưỡng một cách bất hợp lý khi đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết sẽ… tiếp tục nghiên cứu xem liệu giá sữa cao như vậy là có bất hợp lý hay không!
“Bằng chứng” về sự bất hợp lý của giá sữa đã khá rõ ràng. Thế nhưng, việc giải quyết và xử lý các bất hợp lý này lại trở thành thách thức mà người tiêu dùng lại… không được nhắm đến. Có ý kiến đề xuất khá quyết liệt và khả thi là cần có quy định hạn chế quảng cáo sữa vì đây là mặt hàng thiết yếu liên quan đến sức khỏe con người; ngành y tế cần minh bạch chỉ tiêu các chất cần thiết cho sự phát triển cơ thể để người dân không bị nhầm lẫn bởi các chiêu quảng cáo… Thế nhưng, điều mà không nhiều người tiêu dùng trực tiếp biết là để một sản phẩm sữa đến tay người dùng thì phải trải qua nhiều “khâu” trung gian từ đăng ký, xét duyệt đến muốn tiếp cận người tiêu dùng cũng phải qua bác sĩ ở bệnh viện, giáo viên ở trường học… Chính các “khâu” này đã góp phần lớn đưa giá sữa trong nước lên cao ngất ngưỡng.
Ở một lĩnh vực khác, đề án xây dựng nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng ngay khi triển khai đã đón nhận sự chờ đợi của nhiều người, những đối tượng được gọi nôm na là người có thu nhập thấp. Công nhân viên chức, giáo viên, sinh viên… sẽ được mua hoặc thuê với mức giá phù hợp.
Theo phân tích của một kiến trúc sư có uy tín, khi những đối tượng thu nhập thấp có được ngôi nhà theo diện này thì cũng khó mà… an cư. Nhà ở xã hội sẽ chỉ xuất hiện ở vùng ven, ngoại thành do quỹ đất còn rộng và… rẻ, nên khi chấp nhận nơi ở này thì người dùng phải chấp nhận “trả” thêm khá nhiều khoản khác, hữu hình và vô hình như nhà có chất lượng không cao, đi làm xa, kẹt xe, thiếu thốn các dịch vụ tối thiểu… Chất lượng nói chung của một khu nhà dành cho người có thu nhập thấp đã… không cao ngay từ đầu. Và như vậy, những người có thu nhập thấp phải “trả” cái giá không thấp chút nào cho việc an cư của mình.
“Khách hàng” của sữa và… nhà ở xã hội tương đối giống nhau.
Đặt giá sữa và nhà ở cho người có thu nhập thấp cạnh nhau để cùng bàn thì có vẻ khập khiễng. Nhưng vì “khách hàng” của hai thứ này gần trùng nhau về đối tượng nên dưới góc nhìn của người tiêu dùng đã thấy những “trục trặc” trong quản lý. Cái cần thấp – giá sữa – thì khó có thể thấp trong khi chất lượng các loại sữa phần lớn chỉ hơn nhau ở… quảng cáo. Cái cần cao về chất lượng – nhà ở xã hội – thì khó có thể cao về nhiều mặt.
Sữa là mặt hàng đã được đưa vào diện bình ổn giá, nghĩa là khi tăng đến 20% trong vòng 15 ngày thì nhà nước sẽ áp dụng biện pháp can thiệp. Nhưng quy định này chưa từng được áp dụng. Xây dựng một khu dân cư mới phải đảm bảo những điều kiện cần thiết cho cư dân nơi đó như bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí, các dịch vụ thiết yếu… Thế nhưng ngay cả những khu tái định cư hiện nay vẫn chưa được nhà đầu tư đảm bảo thì liệu các khu nhà ở xã hội có đảm bảo được các điều kiện trên?
Người tiêu dùng thấy rằng quy định thì không thiếu, nhưng hai lĩnh vực với hai khái niệm “cao” và “thấp” như trên lại phụ thuộc khá lớn vào cái tâm và tầm của cán bộ, các đơn vị ngành quản lý và thừa hành.
HƯỚNG DƯƠNG