Trước đó, đầu tháng 12-2017, 2 em N.T.D. và L.T.T.T., học sinh lớp 8, Trường THCS Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An rủ nhau tự tử trên sông Lam. Đau xót hơn, đầu tháng 9-2017, 3 học sinh chỉ mới học lớp 3, Trường Tiểu học Na Ngoi 1, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An chọn cách ăn lá ngón tự tử vì bị phạt về tội lấy trộm đồ chơi và đồ dùng học tập. Cũng trong tháng 9, xuất phát từ việc bị điểm 3 môn tiếng Anh kỳ thi đầu vào một trường THPT chuyên tại TPHCM, một học sinh lớp 9 đã bị trầm cảm kéo dài và nhảy từ lầu 7 chung cư xuống đất tử vong.
Hàng loạt sự ra đi của những cô bé, cậu bé đang ở “tuổi ăn, tuổi lớn” đã khiến gia đình, thầy cô và xã hội đau lòng. Đáng nói, sau tất cả vụ việc, khi những lá thư tuyệt mệnh được công bố, người lớn mới ngỡ ngàng vì những lý do như bị điểm kém, bố mẹ la mắng, mâu thuẫn với bạn bè - những điều mà nếu được chia sẻ với người thân, các em có thể dễ dàng vượt qua khủng hoảng tâm lý.
Theo kết quả một công trình nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm TPHCM, chưa có bất cứ cơ sở nào chỉ ra liên hệ giữa việc đánh giá kết quả học tập của học sinh với nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử. Tuy nhiên, có thực tế học sinh giỏi có nguy cơ tự hủy hoại bản thân nhiều hơn các học sinh xếp loại trung bình, yếu.
Qua đó, có thể thấy, ở lứa tuổi vị thành niên, dưới áp lực của việc học hành, thi cử, cộng với những thay đổi phức tạp về mặt tâm sinh lý; rắc rối nảy sinh từ các mối quan hệ bạn bè, thầy cô, cha mẹ với con cái, các em rất dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý, có xu hướng làm trầm trọng hóa vấn đề. Vì vậy, nếu không tìm ra điểm tựa tinh thần để giải tỏa, bản thân lại thiếu kinh nghiệm sống, không có kỹ năng quản lý cảm xúc sẽ dẫn đến những quyết định vội vàng, gây tổn thương chính mình, làm đau lòng cha mẹ.
Th.S Phạm Thị Bích Phượng, cán bộ phụ trách tâm lý Trường THPT Marie Curie (TPHCM), cho biết vài năm trở lại đây, số trường hợp học sinh đến trường phải dùng thuốc điều trị hoặc hỗ trợ về tâm thần ngày càng có chiều hướng tăng. Thêm vào đó, năm học nào cô cũng tiếp nhận hàng chục ca tư vấn cho học sinh có hoàn cảnh gia đình cha mẹ ly tán; áp lực cơm áo gạo tiền khiến cha mẹ không còn thời gian quan tâm con cái, khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lớn... Có người đã ví von giáo viên tâm lý, ngoài nghiệp vụ chuyên sâu về tư vấn phải là người đa năng, vừa hiểu biết sâu về công nghệ (để học sinh dễ dàng liên hệ qua các kênh liên lạc như facebook, zalo, email) vừa phải có tố chất của diễn viên hài, bác sĩ để có thể gần gũi, chia sẻ tất cả khúc mắc trong đời sống của học sinh.
Tuy nhiên, gia đình và nhà trường chỉ là 2 chiếc gậy chỉ đường, các em vẫn phải tự bước trên đôi chân của mình. Không ai khác ngoài chính bản thân các em hiểu mình đang cần gì, muốn gì từ người lớn, giới hạn sức chịu đựng và khả năng ứng phó trước những tác động của môi trường sống. Nhưng để làm được điều đó, các em phải được trang bị một số kỹ năng như quản lý cảm xúc, xử lý tình huống xung đột, biết cách làm chủ bản thân và đưa ra quyết định đúng thời điểm, tự cân bằng đời sống tinh thần của mình bằng cách phân bổ thời gian học tập và vui chơi hợp lý. Đó là những đòi hỏi mà chương trình giáo dục phổ thông hiện nay chưa đáp ứng được, cần được bổ khuyết kịp thời.