Cây ca cao lấn rừng

Rừng nhiệt đới đang suy giảm ở Bờ Biển Ngà và có thể bị “xóa sổ” sau khi một đạo luật mới của nước này không còn để chính phủ bảo vệ các khu vực rừng nhiệt đới mà giao cho các nhà sản xuất chocolate công nghiệp.
Một khu rừng ở Bờ Biển Ngà bị chặt phá để trồng ca cao
Một khu rừng ở Bờ Biển Ngà bị chặt phá để trồng ca cao

Các nhóm hội đoàn và các nhà vận động môi trường ở Bờ Biển Ngà đã cảnh báo bộ luật lâm nghiệp mới, được Quốc hội phê chuẩn và hiện đang được thực thi, sẽ khuyến khích sản xuất ca cao không bền vững và hợp pháp hóa nạn phá rừng quy mô lớn ở các khu vực đã bị tàn phá. Gần 20.000km2 rừng đang suy thoái nặng nề, với mức độ phá rừng ở mức 75% trở lên. Những khu vực này sắp tới sẽ được đặt dưới sự kiểm soát của các công ty quốc tế. Các công viên quốc gia và rừng tương đối nguyên vẹn vẫn được nhà nước bảo vệ.

Các nhà vận động nói rằng điều quan trọng là phải bảo tồn các phần còn lại của những khu rừng đã bị tàn phá này chứ không phải “khai tử”. Có những lo ngại rằng quá trình này cũng sẽ dẫn đến việc mất quyền sở hữu đất đối với các cộng đồng dân cư bản địa và tạo ra sự độc quyền cho các công ty nước ngoài tại quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất thế giới. Bà Julia Christian, thành viên Hội Lâm nghiệp Fern, một tổ chức có trụ sở tại Brussels làm việc với những người trồng ca cao cho rằng bằng cách trao quyền lực quá mức cho các công ty công nghiệp ca cao trong thời hạn 24 năm, nông dân sẽ bị thiệt thòi. 

Điều bất hợp lý là trong khi ngành công nghiệp chocolate toàn cầu (sản xuất từ ca cao) có trị giá hơn 100 tỷ USD vào năm 2018, công nhân trồng ca cao thu nhập trung bình dưới 1USD/ngày, thường phải lao động dưới ánh nắng chói chang và nồng nặc mùi thuốc trừ sâu. Theo Fern, người trồng ca cao chỉ nhận được 6% trong giá bán 1 thanh chocolate. Bờ Biển Ngà đã nhiều lần đấu tranh để thiết lập một mức giá hợp lý cho ca cao nhưng chưa như mong đợi.

Tin cùng chuyên mục