Cây xanh ngã đổ hàng loạt: Do các công trình hạ tầng đô thị?

Đô thị hóa hại mảng xanh
Cây xanh ngã đổ hàng loạt: Do các công trình hạ tầng đô thị?

Không chỉ gây thiệt hại về tài sản, đe dọa tính mạng người dân, tình trạng cây xanh liên tục bị bật gốc, tét nhánh ở TPHCM gần đây còn khiến mảng xanh TP bị tổn hại nghiêm trọng. Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Dũng (ảnh), Trưởng phòng Quản lý công viên cây xanh - Sở GTVT TPHCM.

Đô thị hóa hại mảng xanh

- PV: So với các năm trước, mới hơn 2 tháng đầu mùa mưa năm nay, số sự cố cây xanh ngã đổ tăng đột biến. Theo ông, vì đâu dẫn đến tình trạng này?

Ông NGUYỄN KHẮC DŨNG: Một phần nguyên nhân là do thời tiết ở TPHCM năm nay diễn biến thất thường, có nhiều đợt gió lốc, gió giật cấp 6, 7. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản dẫn đến cây xanh ngã đổ nhiều như thế phải nói đến tác động từ các công trình hạ tầng đô thị: Cấp thoát nước, đào vỉa hè, xây dựng nhà cao tầng… Theo kết quả thống kê của Sở GTVT mới đây có đến 89,1% số sự cố cây xanh ngã đổ nằm trong khu vực nội thành, nơi có nhiều công trình hạ tầng đô thị thi công từ năm 2009 đến nay. Còn ở khu vực vùng ven, ngoại thành sự cố về cây xanh xảy ra rất ít.

- Tác động từ các công trình hạ tầng đô thị dẫn đến cây xanh ngã đổ cụ thể như thế nào, thưa ông?

Tất cả các trường hợp cây xanh bật gốc ngã đổ trong thời gian qua đều được cán bộ ngành cây xanh lưu ý và phân tích rõ, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bộ phận rễ của cây.

Điển hình nhất là cây dầu trên đường Lê Lợi, quận 1 (đoạn trước công viên Lam Sơn) bị bật gốc ngã vào chiều 30-7. Hơn 1/3 bộ rễ của cây này có vết chấn cụt, không thể phát triển ra xung quanh, trong khi đó vỉa hè đường Lê Lợi mới được thi công lót gạch cách nay không lâu.

Hay như trường hợp cây dầu rái trước nhà số 370 Nguyễn Tri Phương (quận 10) bị nhớm gốc mới đây. Khi phát hiện cây xanh này nghiêng, có dấu hiệu ngã đổ, nhân viên Công ty Công viên cây xanh đến bứng gốc xử lý sự cố thì phát hiện bên dưới có đầy nước do đường ống cấp nước máy dưới khu vực này bị bể lâu ngày, làm nhão đất và thối một số rễ.

Một trường hợp khác là cây dầu (mã số 19) trên đường Lê Văn Linh, quận 4 bị bật gốc ngã vào chiều 30-7, qua kiểm tra phát hiện bên dưới có nhiều hàm ếch, nằm kề gốc cây này là một hố ga… Với quy hoạch xây dựng hiện nay không đồng đều, nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên khiến gió chuyển hướng đột ngột khi có mưa bão xảy ra, rất dễ làm cây xanh bật gốc ngã đổ.

Mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng trong một số trường hợp mé nhánh, tỉa cành, do nhân viên các đơn vị quản lý cây xanh không xử lý thuốc tốt, bôi sơn kỹ ở vết cắt trên thân cây khiến nhiều loại nấm, sâu bệnh có điều kiện ăn luồng bên trong, gặp gió lớn sẽ dẫn đến sự cố.

Nhiều cây xanh ở thành phố bị bật gốc sau cơn gió lớn.

Nhiều cây xanh ở thành phố bị bật gốc sau cơn gió lớn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

- Sự cố cây xanh ngã đổ ngày càng nhiều làm tổn hại rất lớn đến mảng xanh của TP và rất nguy hiểm đến tính mạng người dân. Theo ông ngành cây xanh TP cần có những biện pháp nào để ngăn chặn?

Trước mắt, sở chỉ đạo các khu quản lý giao thông đô thị kết hợp với công ty công viên cây xanh tăng cường kiểm tra, đặc biệt thường xuyên theo dõi các cây xanh mới trồng và cây xanh có tuổi thọ lớn để có biện pháp xử lý ngay trước khi xảy ra sự cố. Đối với cây xanh có dấu hiệu già cỗi, không thể phát triển sẽ cho cải tạo trồng cây mới. Phòng quản lý công viên cây xanh của sở cũng sẽ có văn bản yêu cầu ban ngành liên quan, quận huyện, phường xã tăng cường công tác giám sát đối với công trình hạ tầng đô thị triển khai thi công trên địa bàn, vận động người dân giữ gìn, quản lý tốt cây xanh, tránh để cây xanh bị xâm hại.

Mới đây, Phòng quản lý công viên cây xanh cũng đặt hàng Phòng Kế hoạch đầu tư của sở đề tài “Giải pháp bảo tồn cây xanh – xác định nguy hại, đánh giá rủi ro và quản lý an toàn cây xanh đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu tại TPHCM”. Đến nay, đề tài này vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Từ đầu mùa mưa đến nay, TPHCM đã xảy ra 128 trường hợp cây xanh bật gốc, tét nhánh, gãy cành. Riêng ngày 30-7 có 51 sự cố, tập trung chủ yếu vào cây xanh loại 2 (đường kính 0,2-0,5m, cao 8-12m), chiếm 68% tổng số trường hợp cây xanh ngã đổ.

Tuấn Vũ

Tin cùng chuyên mục