Chăm lo đời sống người dân

Trong những cái tết trước đây vẫn có một thực tế đáng buồn là còn nhiều hộ nghèo bị bỏ quên, không thể có tết.

Từ cuối năm 2017 đến nay, trong các chuyến thăm và làm việc với các ngành và địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thường xuyên nhắc nhở, chỉ đạo các cấp, các ngành về việc tổ chức Tết Nguyên đán cho người dân đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, đặc biệt quan tâm đến các hộ gia đình chính sách, người nghèo, người neo đơn, không nơi nương tựa và người dân vùng bị thiên tai; phải có kế hoạch lo tết cho dân chu đáo, không để gia đình nào thiếu cơm, nhạt muối, không có tết. Đối với những cán bộ hết lòng, gắng sức, tận tụy phục vụ nhân dân, thì đó không những là chỉ thị của Thủ tướng, mà còn là mệnh lệnh của trái tim, vì không thể nào an vui đón tết cùng gia đình mà không xốn xang, trăn trở nếu như ở địa phương mình có hộ dân nào đó khó khăn đến mức không có tết.

Nhưng không để hộ dân nào không có tết là một nhiệm vụ không đơn giản. Ở một phường khu trung tâm thành phố có mức sống cao, lãnh đạo phường vẫn phải thật sâu sát cư dân mới có thể không bỏ sót những trường hợp hộ người già neo đơn và những trường hợp người vô gia cư sống lang thang trên địa bàn. Ở các xã nghèo vùng sâu, vùng xa vừa bị thiệt hại nặng do thiên tai, có quá nhiều hộ nghèo, chính quyền xã cũng khó xoay xở đủ kinh phí để chăm lo tết cho tất cả các hộ nghèo.

Thế nên trong những cái tết trước đây vẫn có một thực tế đáng buồn là còn nhiều hộ nghèo bị bỏ quên, không thể có tết. Có những hộ dân nhập cư không có nơi cư trú, phải sống bấp bênh trên xuồng ghe hay lây lất ở vỉa hè, nên không có đăng ký thường trú, tạm trú, nằm ngoài danh sách hộ nghèo của địa phương. Và cũng có rất nhiều người là bệnh nhân từ các tỉnh về các bệnh viện lớn ở TPHCM điều trị bệnh dài hạn, cạn kiệt tiền bạc, ngày tết vẫn nằm hiu hắt trên giường bệnh. 

Do vậy, việc Thủ tướng chỉ đạo không để hộ dân nào không có tết chính là sự đòi hỏi bộ máy quản lý nhà nước có ý thức trách nhiệm cao hơn trong việc thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Chính quyền các địa phương đã bị thiệt hại do thiên tai cần rà soát những trường hợp nào chưa dựng lại được nhà, không đủ ăn, không có điều kiện ổn định lại cuộc sống, để kịp thời hỗ trợ các hộ này có điều kiện đón tết và khắc phục khó khăn. Qua việc Tổng công ty Điện lực TPHCM tài trợ 1,3 tỷ đồng giúp xây nhà tình thương, làm đường, tặng xuồng cho người nghèo ở xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ, TPHCM) mới đây, cho thấy là một mô hình hay và hiệu quả thiết thực. Nếu các tỉnh - thành quan tâm vận động các doanh nghiệp kết nghĩa, hỗ trợ cho các xã vùng sâu, vùng xa theo cách như vậy, thì hộ khó khăn ở các xã nghèo cũng có tết an vui.

Xã hội hóa hoạt động xã hội từ thiện là chủ trương đúng đắn, chẳng những khơi sức dân mà còn khơi dậy lòng nhân ái, vun đắp tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Trong những năm gần đây, nhiều hội đoàn từ thiện đã nhiệt thành tham gia cứu trợ đồng bào bị thiên tai, người nghèo khổ, hoạn nạn. Việc vận động sẻ chia, giúp đỡ để các hộ nghèo khó cũng có tết là việc rất nhân văn, nên chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng của nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân. Khi chính quyền và UBMTTQ từng phường - xã có điều tra, khảo sát, lập danh sách cụ thể những hoàn cảnh thực sự không có tết, các tổ chức từ thiện sẽ sẵn sàng đến với họ. Song cũng không thể chỉ trông chờ vào nguồn vận động từ thiện, chính quyền từng phường - xã phải có giải pháp, kế hoạch căn cơ cho việc ổn định cuộc sống và việc làm cho những hộ nghèo khó. 

Việc chăm lo tết cho hộ nghèo không phải chỉ là tặng phần quà và tiền, mà còn cần quan tâm cả văn hóa, tinh thần để người nghèo thực sự an vui. Đó cũng là đạo lý, nhân văn của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục