Kết quả khảo sát thực trạng đời sống người lao động (NLĐ) tại các KCX-KCN TPHCM mới đây cho thấy NLĐ lo lắng nhất hiện nay tập trung vào mấy chuyện sau: trên 90% lo vì giá thực phẩm, giá thuê nhà, điện, nước tăng cao; trên 80% lo lắng vì thu nhập thấp, không đủ đảm bảo cuộc sống. Sau đó mới đến các mối lo về con cái, học hành, đời sống tinh thần, tình cảm. Như vậy, chuyện cơm áo, gạo tiền vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Dốc sức làm việc, NLĐ mới chỉ lo được cái ăn, cái mặc, chứ chưa thể nói đến chuyện an cư, lạc nghiệp, ăn ngon, mặc đẹp.
Mỗi lần giá cả tăng cao, đời sống khó khăn, các ban ngành, đoàn thể lại chung tay tiếp sức, làm nhẹ bớt gánh lo cho NLĐ bằng nhiều biện pháp: vận động các chủ nhà trọ không tăng giá, tặng vé xe cho công nhân (CN) về quê, tặng quà tết, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ tiền thuốc thang cho CN mắc bệnh hiểm nghèo, vận động doanh nghiệp tăng lương, nâng mức trợ cấp nhà ở, đi lại… Xét cho cùng, đây chỉ mới là giải pháp tình thế chứ chưa phải giải pháp căn cơ. Cứ giữ thế “nước lên, thuyền lên” không phải là cách tối ưu. Nói cách khác, đây là biện pháp cần, nhưng chưa đủ, là cách giải quyết bài toán từ ngọn chứ chưa phải từ gốc.
Trong khi đó, nhiều lỗ hổng trong quản lý nhà nước về lao động, nhiều quy định đã lỗi thời làm xáo trộn, gây bức xúc đã lâu mà không được quan tâm giải quyết tới nơi tới chốn. Đơn cử như chuyện thang bảng lương ảo. Nhà nước đã quy định rõ việc xây dựng thang bảng lương, tạo cơ sở để NLĐ được nâng lương theo niên hạn mà không cần phải ngừng việc đưa yêu sách, đảm bảo công bằng giữa người làm được việc và không được việc, người làm lâu năm và người mới vào làm. Một chủ trương hay nhưng lại không phát huy tác dụng vì không có biện pháp chế tài xử phạt. Thậm chí, nhiều cán bộ quản lý nhà nước còn hết sức mơ hồ về ý nghĩa của thang bảng lương khi đề xuất bãi bỏ quy định về thang bảng lương với lý do: Cơ quan quản lý nhà nước tốn quá nhiều nhân lực để thụ lý hồ sơ đăng ký thang bảng lương trong khi biết thừa là DN đem về chỉ bỏ vào ngăn tủ.
Một vấn đề khác là chuyện mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu mà chưa được sửa đổi. Mức thu nhập mời gọi NLĐ tại các KCX-KCN hiện đã từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Đợt tăng giá cuối năm qua, nhiều DN hỗ trợ cho CN nhiều khoản như tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền chuyên cần… Cộng thêm tiền tăng ca, thành ra hầu hết CNLĐ phổ thông đều đã lọt vào diện đóng thuế thu nhập. Một bên nhà nước vận động mọi nguồn lực để giảm bớt gánh nặng cho NLĐ nghèo - một bên, cơ quan thuế lại xếp họ vào diện có thu nhập cao cần phải tính thuế.
Thêm vào đó, mức tiền thưởng tết của CNLĐ trong năm 2011 được chi trả vào đầu năm 2012 cũng thuộc vào diện phải tính thuế, dù năm 2011 đã có quy định miễn thuế. Trước Tết Nguyên đán, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết bộ đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc vận dụng linh hoạt hơn trong việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với CNLĐ trong việc nhận tiền thưởng, tiền lương, tiền công của năm 2011 nhưng thực tế được lĩnh vào tháng 1-2012. Tin vui đó làm nức lòng CNLĐ, nhưng sau tết, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, kịp thời điều chỉnh những quy định về liên quan đến lao động cho phù hợp tình hình thực tế và nguyện vọng chính đáng của người lao động mới là cách chăm lo căn cơ, hiệu quả, hợp lòng dân.
Mai Hương