Chậm thu hồi, hiểm họa lâu dài

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có cảnh báo về sản phẩm kẹo thạch sữa trái cây XZL Milk Fruit Jelly School Bags sau khi nhận được thông tin từ phía Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) thông báo thu hồi sản phẩm kẹo trên do nguy cơ gây tắc đường thở.

Cũng liên quan tới một sản phẩm kẹo, Bộ Công thương vừa yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm kẹo trứng Chocolate trẻ em Kinder Surprise và các sản phẩm tương tự của Tập đoàn Ferrero (Italy) đang bán tại Việt Nam do nghi ngờ sản phẩm này bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. 

Trước khi có chỉ đạo rà soát, thu hồi, 2 sản phẩm kẹo không đảm bảo an toàn nêu trên đã tồn tại trên thị trường Việt Nam một thời gian dài, rất được trẻ em ưa thích, khiến phụ huynh lo lắng, hoang mang. Thực tế cho thấy, cả 2 sản phẩm kẹo trên đều đã bị một số quốc gia thu hồi vì có thành phần không an toàn cho người sử dụng. Trong đó, kẹo thạch sữa trái cây XZL Milk Fruit Jelly School Bags có phụ gia thực phẩm Carrageenan, Sodium Alginate và Konjav không được phép sử dụng trong thực phẩm dạng thạch vì nguy cơ gây nghẹt thở.

Còn Chocolate Kinder Surprise có khuẩn Salmonella gây bệnh về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, khi nhận được những thông tin rất đáng lo về 2 loại kẹo trên, các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế, Bộ Công thương đều không có ngay các quyết định thu hồi sản phẩm trên tại thị trường Việt Nam mà lại có động thái “đá bóng” rất lòng vòng. 

Chẳng hạn, đối với kẹo thạch sữa trái cây XZL Milk Fruit Jelly School Bags, Cục An toàn thực phẩm khi có thông tin thì lại thông báo đến cơ quan quản lý có thẩm quyền của Bộ Công thương để tiếp tục tìm hiểu thông tin, theo dõi và tiến hành kiểm soát sản phẩm này. Trong khi đó, dù sản phẩm Chocolate Kinder Surprise đã bị Tập đoàn Ferrero thu hồi toàn bộ nhưng Bộ Công thương lại yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm.

Việc chậm trễ, thiếu kiên quyết trong xử lý đối với các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của mỗi cá nhân mà còn nguy hại lâu dài tới giống nòi và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề được xã hội và cộng đồng vô cùng quan tâm nhưng lĩnh vực này đang có tới 3 bộ cùng tham gia quản lý là: Y tế, Công thương, NN-PTNT. Vì vậy, khi một sản phẩm thực phẩm có vấn đề về chất lượng sẽ có 3 bộ cùng tham gia, khiến một vụ việc mất nhiều thời gian xử lý. Sự chậm trễ như vậy cũng khiến dư luận đặt câu hỏi có hay không việc “né” trách nhiệm của cơ quan quản lý? 

Theo quy định hiện hành, phần lớn thực phẩm đang lưu hành được nhà sản xuất tự công bố tiêu chuẩn chất lượng. Nếu có sai phạm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra và xử lý khi hậu kiểm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh rất lớn, trong khi tỷ lệ được hậu kiểm rất thấp. Việc thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc và thu hồi thực phẩm bẩn cũng chưa nghiêm vì thiếu nhân lực, hệ thống kiểm soát lỏng lẻo, chồng chéo, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe… 

Để ngăn chặn thực phẩm bẩn và kịp thời xử lý rất cần một đầu mối thống nhất về quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm chính khi có vụ việc xảy ra; đồng thời cần xây dựng được bộ tiêu chí chung về xử lý thu hồi sản phẩm bẩn không an toàn. Nếu chậm thu hồi những sản phẩm không đảm bảo chất lượng thêm ngày nào, ngày đó sẽ có thêm những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ em và cộng đồng. 

Tin cùng chuyên mục