Sau khi dư luận bày tỏ rõ nỗi quan ngại về vụ 30 tấn cá nục của một hộ kinh doanh ở tỉnh Quảng Trị vừa bị cơ quan chức năng địa phương phát hiện nhiễm chất cấm phenol rất độc hại cho sức khỏe người sử dụng, mới đây nhất, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long đã trấn an dư luận rằng với liều lượng 0,037 mg/kg phenol có trong cá nục như công bố của tỉnh Quảng Trị thì không ảnh hưởng đến sức khỏe nếu so với quy định chung. Đồng thời, đại diện của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cũng cho rằng số mẫu thu thập còn chưa đầy đủ và hiện các chi cục ở địa phương gồm chi cục chất lượng nông lâm thủy sản, chi cục an toàn thực phẩm và chi cục thủy sản đang tiếp thục kiểm tra, thu thập thêm mẫu để làm rõ hơn. Dù cách phản hồi thông tin khéo léo thế nào thì cũng cho thấy, hóa chất trong hải sản là có thật và vai trò của cơ quan chức năng còn chậm chạp, lỏng lẻo về quản lý.
Theo các chuyên gia đầu ngành về thủy hải sản, phenol không phải là chất nội sinh có trong con cá mà là ngoại sinh, có thể do môi trường nước biển bị nhiễm độc hoặc được cho vào trong quá trình ướp, bảo quản. Có thể chuyện 30 tấn cá nục ở tỉnh Quảng Trị không có chút liên quan gì tới vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh Bắc Trung bộ cách đây chừng 2 tháng.
Tuy nhiên qua sự việc này gióng lên câu hỏi dành cho phía các cơ quan quản lý, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế. Trong trường hợp cá nục ở Quảng Trị không phải nhiễm độc do nước biển bị ô nhiễm thì từ lâu, dư luận đã nhiều lần nhắc tới tình trạng hải sản đánh bắt bị lạm dụng các chất trong quá trình bảo quản, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Và trên thực tế, ngay sau khi rộ lên hiện tượng cá biển chết hàng loạt tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Bộ NN-PTNT đã có chỉ đạo tới các đơn vị trực thuộc ở các địa phương yêu cầu hướng dẫn bà con ngư dân đánh bắt đúng khu vực, chỉ cá ở vùng biển từ 20 hải lý trở ra (đối với khu vực biển Bắc Trung bộ) mới được coi là an toàn, đồng thời khi cá cập cảng, cán bộ các chi cục an toàn thực phẩm phải thu thập mẫu, tổ chức giám sát chặt chẽ các đầu mối thu gom, tiêu thụ và cấp chứng nhận cho phép tiêu thụ mới được đưa ra thị trường để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên như tại tỉnh Quảng Trị, cơ quan chức năng thuộc ngành y tế sau đó vẫn phát hiện lô cá nục trong kho dự trữ cấp đông có chứa chất phenol mà ngành y tế cho rằng đó là chất cấm (mặc dù hiện tại ngành nông nghiệp khẳng định chưa có chất phenol trong danh mục cấm và mẫu còn ít, cần phải làm rõ thêm).
Hậu quả là sau khi báo chí và mạng xã hội lan truyền thông tin hàng chục tấn cá nục ở tỉnh Quảng Trị có nhiễm chất cấm độc hại phenol như thêm một nỗi lo lắng không yên về chất lượng an toàn vệ sinh thủy sản, đại diện của Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT đã than phiền rằng các cơ quan chức năng ở địa phương hơi vội vàng khi kết luận, xử lý vụ việc và khi báo chí công khai thông tin có thể làm ảnh hưởng tới tình hình tiêu thụ thủy hải sản cũng như đời sống của ngư dân.
Đành rằng người tiêu dùng luôn sẵn sàng chung tay, san sẻ với ngư dân cũng như ngành nuôi trồng, khai thác thủy sản để bảo vệ nền kinh tế nhưng suy cho cùng thì họ cũng có nhu cầu, đòi hỏi chính đáng về được bảo vệ sức khỏe của mình - gia đình lẫn cả cộng đồng. Đứng trước sự việc thực phẩm, thủy sản không đảm bảo về chất lượng, thậm chí có thể gây độc hại trong khi hàng ngày họ vẫn sử dụng trong mỗi bữa ăn, chắc chắn mỗi người tiêu dùng không thể thờ ơ, đồng cảm được. Và nếu sự thật là thủy hải sản không đảm bảo an toàn thì người tiêu dùng có quyền được biết về sự thật đó.
Vậy làm cách nào để dung hòa được quyền lợi của cả ngư dân và người tiêu dùng, thực sự bảo vệ ngành nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, ổn định thị trường trong bối cảnh thủy hải sản đang có nhiều mối lo ngại, có lẽ cần phải trông đợi vai trò, trách nhiệm chủ đạo của các cơ quan chức năng trong việc tổ chức sản xuất, kiểm soát chặt chẽ nguồn thủy hải sản đánh bắt nói riêng và thị trường thực phẩm nói chung, đặc biệt là chủ động công khai thông tin một cách minh bạch và chính thống cho mọi người dân nắm rõ, hiểu rõ... để tránh những tin đồn vô tình hoặc ác ý có thể gây ra hệ lụy và tác động xấu, mà nguyên nhân của tin đồn là do cơ quan quản lý không thông tin kịp thời, minh bạch và đầy đủ về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thủy hải sản.
Nếu các cơ quan chức năng như Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế không vào cuộc có trách nhiệm thì tin rằng sau phenol sẽ còn nhiều vụ việc khác có liên quan tới mất an toàn vệ sinh thực phẩm, và người tiêu dùng cũng như dư luận có quyền nghi ngờ, quan ngại, thậm chí tẩy chay. Lúc đó, những hậu quả về kinh tế và xã hội biết đổ trách nhiệm cho ai?
PHÚC HẬU