Châu Âu: Gánh nặng di cư khoét sâu mâu thuẫn

Tòa án Công lý châu Âu (CJE) của Liên minh châu Âu (EU) ra phán quyết cho rằng Ba Lan, Hungary và CH Czech vi phạm luật pháp EU khi không tiếp nhận người di cư theo tỷ lệ được phân bổ nhằm giảm gánh nặng cho các nước thành viên phía Nam EU. Phán quyết này được đưa ra trong bối cảnh EU lo ngại gánh nặng di cư khoét sâu thêm mâu thuẫn trong nội khối.
Người di cư đổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp
Người di cư đổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp

Suy giảm tình đoàn kết

Theo CJE, vấn đề tỷ lệ tiếp nhận người di cư đã làm suy giảm tình đoàn kết giữa các nước EU nhiều năm qua. Phán quyết nêu rõ: “Khi từ chối tuân thủ cơ chế tạm thời tái phân bổ người xin tị nạn, Ba Lan, Hungary và CH Czech đã không tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp EU”.

Các nước thành viên tranh cãi xung quanh việc EU thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người di cư với mục tiêu tái định cư cho 160.000 người tị nạn vào năm 2015. Khi đó, CJE yêu cầu các nước trong khối chung tay giải quyết vấn đề này trên cơ sở nhận một lượng người nhập cư nhất định. Trong khi các nước có tiềm lực kinh tế như Đức nhận 20%, Pháp nhận 15% thì các nước Đông Âu như Hungary, Slovakia nhận khoảng 1%-2%. Dù việc phân chia này được EU thông qua theo đa số từ năm 2015, nhưng kế hoạch phân bổ trên vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước Trung Âu và Đông Âu, trong đó có CH Czech, Slovakia, Romania và Hungary. Nhóm 4 nước trên luôn giữ quan điểm cứng rắn đối với việc tiếp nhận người di cư, cho rằng vấn đề này đe dọa đến ổn định của châu Âu.

Theo giới quan sát, ngoài vấn đề văn hóa, tôn giáo, việc Đông Âu phản đối chia sẻ gánh nặng người nhập cư với EU còn nằm ở thị trường lao động. Đông Âu vẫn phải đối mặt với thực trạng thiếu lao động, nhất là lao động có trình độ nhưng khả năng thu hút lại rất thấp. Lý do là nhóm lao động tay nghề cao có xu hướng lựa chọn các thị trường kinh tế phát triển ở các nước Tây Âu. Việc tiếp nhận người lao động trình độ thấp chỉ làm chậm thêm quá trình thu hẹp khoảng cách thu nhập của người dân các nước Đông Âu với khu vực Tây Âu, tác động tiêu cực tới nỗ lực của chính phủ các nước trong khu vực. Cho đến nay, do mâu thuẫn kéo dài, EU vẫn chưa thể thiết lập được những quy chế cho phép ứng phó với các cuộc khủng hoảng di cư mới. Quan điểm đối lập giữa các nước thành viên về việc đối xử với người di cư và người tị nạn đã cản trở việc triển khai ra bên ngoài các chính sách tị nạn và nhập cư châu Âu.

Đối mặt khủng hoảng di cư mới


Làn sóng di cư đổ về châu Âu có xu hướng gia tăng trở lại trong thời gian gần đây. Hàng chục ngàn người muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói và xung đột từ châu Phi, Trung Đông, vẫn đang đổ về châu Âu. Áp lực di cư lần này làm trỗi dậy nỗi ám ảnh của cả châu Âu về cuộc khủng hoảng di dân xảy ra cách đây 5 năm. Thời điểm đó, căng thẳng về bản sắc dân tộc, giải quyết việc làm, nơi ở… cho đến các cuộc tấn công khủng bố theo kiểu “sói đơn độc” đã làm dấy lên trào lưu chủ nghĩa dân túy trên khắp châu lục, gia tăng sự bất ổn xã hội.

Theo Chính phủ Hy Lạp, tính đến cuối tháng 2 năm nay, ít nhất 40.000 người vượt biên trái phép vào Hy Lạp đã được chặn lại ở biên giới trên bộ sau khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ mở cửa biên giới cho người di cư tràn sang châu Âu nhằm gây sức ép với EU về cuộc xung đột ở Syria. Hy Lạp buộc phải lập cơ chế tạm thời cho phép 5.000 người di cư hồi hương tự nguyện từ các đảo của Hy Lạp. Cơ chế trên sẽ kéo dài 1 tháng, tạo cơ hội cho người di cư đang sống trong các trại tị nạn trên các đảo ở Hy Lạp và những người đã đến nước này trước ngày 1-1 năm nay được đệ đơn tình nguyện hồi hương. Kế hoạch trên do Ủy ban châu Âu (EC) tài trợ, theo đó khoảng 5.000 người di cư sẽ được hỗ trợ 2.000 EUR/người. Kế hoạch trên sẽ góp phần giảm tải cho các đảo ở Đông Bắc Hy Lạp.

Tin cùng chuyên mục