Chiều 2-12, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến tại 71 điểm cầu để quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW (ngày 23-9-2019) của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; đánh giá tình hình, kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng tháng 11, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 12 và thời gian tiếp theo.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, để quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đi vào đời sống trong tổ chức Đảng các cấp, nhất là ở cơ sở, trước hết đòi hỏi sự nêu gương của những người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; cần tập trung nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, người đứng đầu về tầm quan trọng và sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; cũng như trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện quy định.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình, để thực hiện nghiêm Quy định 205, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh sai phạm. Đồng thời phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ, phát hiện kịp thời những hiện tượng tiêu cực…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đề nghị phải nhận diện rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền nêu trong Quy định 205. Người nào chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền sẽ bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ với thời hạn tương ứng là 18 tháng, 30 tháng và 60 tháng; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra. Trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; đưa, nhận hối lộ hoặc vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Với Quy định 205, việc chạy chức, chạy quyền đang được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi cơ bản. Chúng ta không thể kiểm soát 100% nhưng với cơ chế như vậy đã góp phần kiềm chế, ngăn chặn đẩy lùi chạy chức, chạy quyền ở các cấp, đặc biệt là chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Chúng ta làm trong sạch đội ngũ, siết chặt kỷ luật kỷ cương, nhưng bên cạnh đó phải mở điều kiện môi trường, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.