Quá trình chuẩn bị cho một kỳ SEA Games có thể kéo dài đến hai năm rưỡi nếu quốc gia đăng cai phải xây dựng cơ sở vật chất hoàn toàn mới. Ở lần đăng cai thứ hai của mình kể từ sau năm 2003, Việt Nam sẽ không xây mới công trình nào. Thậm chí, trong bản kế hoạch mới nhất trình lên Thủ tướng Chính phủ, ngân sách tổ chức giảm đến gần 50% so với dự toán ban đầu, trên tinh thần tiết kiệm mà hiệu quả. Giới quản lý thể thao hy vọng sẽ tận dụng tốt cơ sở vật chất có sẵn và khả năng xã hội hóa để bảo đảm tổ chức SEA Games thành công dù chi phí thấp.
Nhưng dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến các kế hoạch. Trước mắt, việc duyệt ngân sách chính thức vẫn chưa xong. Dù ít hay nhiều, dự toán về tài chính cần có sự tham gia của các bộ ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ và sau đó mới được đưa vào kế hoạch ngân sách của năm 2021 trước khi giải ngân. Với những khó khăn chung của đất nước sau dịch Covid-19, ngân sách dành cho SEA Games nhiều khả năng khó tăng thêm và sẽ khiến cho quá trình sửa chữa các cơ sở vật chất rơi vào thế bị động. Trường hợp sửa chữa hệ thống mặt sân và đường chạy sân vận động Mỹ Đình, hay trường bắn súng quốc gia với dự toán lên đến hơn 200 tỷ đồng rất cần được duyệt chi sớm nhằm bảo đảm thời gian thi công. Bởi theo kinh nghiệm, nếu tiến hành xây mới các cơ sở vật chất thì dù tốn kém hơn nhưng công việc lại nhanh hơn so với việc nâng cấp, chỉnh trang.
Kế đến đó là công tác truyền thông và tài trợ. Việt Nam cam kết sẽ tổ chức thành công một kỳ SEA Games chi phí thấp nhưng “văn minh và hiện đại”. Ngân sách càng ít, thì việc tuyên truyền, tiếp thị lại càng phải được làm tốt, làm sớm để thu hút các nguồn tài trợ quảng cáo, bản quyền hình ảnh. Sau gần 2 thập niên, Việt Nam mới đăng cai SEA Games với mục tiêu đứng đầu toàn đoàn về thành tích nhưng vẫn tạo ra mô hình mẫu về công tác tổ chức hướng đến yếu tố chuyên nghiệp thay vì đặt nặng tính “phong trào”.
Nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, các hoạt động tiếp thị, quảng bá cũng phải đến cuối năm mới khởi động. Các khó khăn về kinh tế đối với những doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa thể dự báo, kế hoạch vận động tài trợ đang đối diện với nguy cơ chậm trễ, tác động đến tổng ngân sách tổ chức. Dễ thấy nhất chính là hệ thống lưu trú VĐV và những hoạt động cung cấp dịch vụ lữ hành, đưa đón. Đây là các lĩnh vực kinh doanh bị tác động nhiều nhất từ dịch Covid-19, chưa biết lúc nào mới quay lại hoạt động bình thường nên những tính toán thu hút hỗ trợ từ những doanh nghiệp này hiện chưa khả thi.
Mặc dù quy mô và sức ảnh hưởng của SEA Games không còn lớn, ngành thể thao Việt Nam cũng không thiếu kinh nghiệm về tổ chức những sự kiện đỉnh cao, nhưng qua 2 sự kiện quy mô châu lục gần đây là Asian Indoor Games 2009 và Asian Beach Games 2016 thì tính hiệu quả chưa cao, ít hiệu quả về tuyên truyền do sự hạn chế về tài chính, thời gian. Do đó, để có một SEA Games thành công vào năm sau, khẳng định thêm nội lực của quốc gia, khi mà quỹ thời gian đang cạn dần là thách thức lớn đối với Ban tổ chức SEA Games 31.
