Thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 người mắc bệnh ung thư và mỗi ngày trôi qua lại có hàng trăm người tử vong do căn bệnh quái ác này. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân là do thực phẩm bẩn. Điều đáng báo động, chỉ vì lợi nhuận trước mắt nhiều người đã và đang tiếp sức làm hại chính cộng đồng và bản thân mình bằng những loại hóa chất, chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm. Cái chết vẫn rình rập trong từng mâm cơm mỗi gia đình do tình trạng thực phẩm mất an toàn, nhiễm các loại hóa chất độc hại đang ngày càng gia tăng nhanh ở nước ta.
Qua thanh kiểm tra của cơ quan chức năng, số vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) ngày càng gia tăng khiến người tiêu dùng càng mất niềm tin về chất lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm, bởi khó lòng trở thành “người tiêu dùng thông thái” khi mà việc kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm vẫn còn yếu kém. Theo Bộ Y tế, trong năm 2018, cả nước ghi nhận 97 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 3.340 người bị ngộ độc, 2.944 người phải nhập viện và 16 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, còn hậu quả do hóa chất bảo quản, tẩm ướp, chất kích thích tăng trưởng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật phát tác lâu dài, thì khó mà tính cho được như: dùng chất tẩy trắng công nghiệp làm bánh quẩy, pha axít với nước lã làm dấm ăn, sử dụng chất vàng ô ướp măng, bơm nước bẩn vào thịt bò, thịt heo tăng trọng lượng kiếm lời, bơm tạp chất vào tôm, dùng hóa chất biến thịt thối, bẩn thành thịt tươi ngon, dùng hóa chất tẩy bắp chuối, biến dầu ăn bẩn thành thuốc ho... Hàng loạt vụ việc được dư luận và lực lượng chức năng vạch trần khiến dư luận bức xúc, bàng hoàng. Không ít người sản xuất, chế biến thực phẩm vì lòng tham vẫn đang vô cảm trước nỗi đau của đồng loại.
Tự sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, độc hại chưa đủ, nhiều người còn tiếp tay cho đối tượng nước ngoài nhập hóa chất độc hại tràn lan, thực phẩm quá hạn sử dụng và hàng hóa kém chất lượng vô tội vạ vào Việt Nam. Mọi con đường của thực phẩm bẩn cuối cùng đều đến với bữa ăn vào dạ dày. Đó là cách đầu độc trực tiếp lợi hại nhất và nguy hiểm nhất. Hậu quả là tình trạng ngộ độc thực phẩm đang xảy ra từng ngày, từng bữa. Nguy hại hơn nữa là bệnh ung thư và nhiều loại bệnh nan y khác ngày một gia tăng, hành hạ thể xác, tinh thần con người. Hậu quả lâu dài nữa là suy thoái giống nòi... Mới đây, tại một hội nghị sức khỏe và an toàn thực phẩm, nhiều lãnh đạo ngành thừa nhận thực phẩm bẩn đã trở thành đại dịch. Tuy nhiên, việc kiểm soát sử dụng các hóa chất, chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm... không thể mãi trông chờ vào tuyên truyền và lương tâm người sản xuất, buôn bán mà phải bằng chế tài mạnh được thực thi một cách có hiệu quả từ các cơ quan chức năng thay vì hô hào qua những khẩu hiệu trong “tháng hành động”, “đợt ra quân”, những lời hoa mỹ, hô hào chung chung tại các hội nghị, hội thảo.
Chưa lúc nào như hiện tại, sức khỏe của cộng đồng đang đứng trước thách thức hao mòn, nguy hại bởi thực phẩm bẩn. Không chỉ lên án những cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến thực phẩm đầu độc cộng đồng, nêu cao ý thức tiêu dùng của người dân, mà đã đến lúc cả xã hội phải chung tay vào cuộc chống thực phẩm bẩn, dũng cảm đấu tranh, tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Chừng nào trong nhận thức của mỗi người không còn tư tưởng “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” thì khi đó, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn sẽ có hy vọng thắng lợi! Và hơn ai hết, với các cơ quan chức năng được Chính phủ trao trọng trách “gác mâm” bữa ăn cho mọi gia đình cần quyết liệt hơn nữa trong hoạch định chính sách, pháp luật, kế hoạch, chế tài để đẩy lùi thực phẩm bẩn, chứ không phải bằng khẩu hiệu.