
Ngày 24-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và thảo luận về dự thảo Luật An toàn thông tin. Điểm đáng quan tâm nhất trong phiên thảo luận là cách nào để bảo vệ người dùng các dịch vụ mạng di động, internet.
Trách nhiệm của nhà mạng ra sao?
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) chia sẻ, dù ông không sử dụng internet nhiều lắm nhưng mỗi lần truy cập có cảm giác truy cập bị người khác kiểm soát, sử dụng thông tin của mình, tạo tâm lý bất an. Dự luật đã có chương về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng nhưng lại thiếu quy định yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải công khai, minh bạch các ứng dụng cung cấp cho người sử dụng, để rồi có lúc “đùng cái, bị hậu quả về mặt tài chính”. Đồng tình với quan điểm này, theo ĐB Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang), mỗi ngày người dùng điện thoại nhận hàng chục, hàng trăm tin nhắn rác quảng cáo sim điện thoại, bất động sản... gây nhiều bức xúc cho người dùng nhưng chưa có giải pháp để giải quyết. Dự thảo luật đã đề cập đến vấn đề này nhưng chưa bao quát hết. Cụ thể, đó là thiếu đối tượng liên quan khác là nhà cung cấp dịch mạng trách nhiệm ra sao, khi họ mới chỉ thu tiền nhưng chưa đề cập nhiều đến quyền của người dùng.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phát biểu tại hội trườngvề dự án Luật An toàn thông tin. Ảnh: LÃ ANH
Chia sẻ nội dung này, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phân tích, dự luật có quy định cá nhân có trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Quy định này không sai nhưng so với thực tế là chưa thuyết phục. Việt Nam có hơn 133 triệu thuê bao điện thoại với các điện thoại di động từ giá bình dân đến cao cấp; hay các thiết bị điện tử khác có thể kết nối internet sản xuất ở nhiều nước với nguồn gốc khác nhau. Bên cạnh đó, các phần mềm ứng dụng miễn phí ngày càng tăng lên, kéo theo đó là có các phần mềm gián điệp, mã độc... Do đó, việc đòi hỏi người dùng phải thông minh, bảo vệ mình khi sử dụng dịch vụ là “đánh đố” cần xem lại. Bởi vì cơ quan nào là kiểm soát các thiết bị bày bán, dán tem hợp chuẩn, khuyến cáo người dùng? Do đó, ban soạn thảo nên có chương riêng về bảo an, bảo mật, chế định với người dùng để hướng đến sự an toàn thông tin một cách tối ưu.
Cũng cho rằng dự luật chưa bao quát hết, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nêu ví dụ về việc nữ sinh 15 tuổi gần đây tự tử sau khi bạn trai đưa clip quan hệ giữa hai người lên mạng và “ám ảnh với câu nói của người nhà nữ sinh là xin cộng đồng mạng tha cho cháu”. ĐB Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi về việc có giải pháp nào ứng cứu khi phát hiện ra vấn đề? Cơ quan quản lý nào có trách nhiệm ngăn chặn việc phát tán? Từ đó, đại biểu đề xuất cần có quy định về việc bảo vệ thông tin riêng cá nhân trên mạng để từ đó có giải pháp hạn chế tình trạng nêu trên.
Các ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), Mai Thị Thúy (Tuyên Quang), Chu Đức Quang (Lạng Sơn) đều cho rằng, dự luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc thu thập thông tin người khác và phát tán khi không được phép. Bởi lẽ đây là thực tế đang diễn ra phức tạp nhưng khó quy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Bên cạnh đó là cần quy định rõ hơn các hành vi bị cấm từ đó có chế tài xử lý một cách nghiêm minh và khả thi. Còn theo ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), dự luật chưa quy định rõ cách nào để bảo vệ thông tin cá nhân. Nếu chỉ xét ở thông tin trên mạng thì có hai loại là chủ động và bị động đưa thông tin lên mạng. Khi xác định như vậy thì cần có quy định người khai thác sử dụng và quy rõ trách nhiệm thông tin khi tiếp nhận, từ đó thống kê các hành vi để có chế tài xử lý.
Báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc
Một nội dung quan trọng trong Luật KTNN được thông qua là báo cáo của KTNN có giá trị bắt buộc. Trước đó, tại báo cáo giải trình tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, có ý kiến đề nghị, cân nhắc tính bắt buộc của báo cáo kiểm toán và cho rằng chỉ có giá trị bắt buộc thực hiện sau khi được UBTVQH phê chuẩn hoặc cơ quan hành pháp xác định đó là sai phạm... Tuy nhiên, theo quan điểm của UBTVQH, việc quy định có tính bắt buộc của báo cáo kiểm toán nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của KTNN trong việc đưa ra các kết luận, kiến nghị trong báo cáo, khắc phục việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN những năm qua chưa nghiêm do tồn tại của luật hiện hành. Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Do vậy, báo cáo kiểm toán của KTNN cũng mang tính độc lập, không một cơ quan nào có thể can thiệp và KTNN phải chịu trách nhiệm trước kết luận, kiến nghị của mình. Vì vậy, việc quy định báo cáo kiểm toán phải được UBTVQH phê chuẩn hoặc cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp xác định có sai phạm là không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Khi có căn cứ cho rằng kết quả kiểm toán ghi trong báo cáo kiểm toán trái pháp luật, gây thiệt hại thì đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại.
NGỌC QUANG
Dự báo sai do năng lực kém phải bị xử lý
Chiều 24-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khí tượng thủy văn (KTTV). Đa số ý kiến phát biểu tại phiên họp quan tâm đến việc nâng cao chất lượng của bản tin dự báo KTTV, xác định và xử lý trách nhiệm khi bản tin dự báo không chính xác, không kịp thời; gây hậu quả nghiêm trọng.
Lưu ý việc bản tin dự báo không kịp thời, thiếu chính xác có thể gây hậu quả rất lớn, gây bức xúc trong nhân dân, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, luật này cần bổ sung những điều kiện ràng buộc đối với tổ chức, cá nhân nếu dự báo sai, làm ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. ĐB Đỗ Văn Vẻ nêu vấn đề: “Dự thảo mới chỉ quy định về cơ quan phát tin dự báo, cảnh báo KTTV mà chưa đề cập đến vai trò của các cơ quan truyền tin, đưa thông tin này đến cộng đồng”. Theo đại biểu, đây là vấn đề cần bổ khuyết theo hướng quy định rõ thời gian để cơ quan KTTV cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông thông báo đến người dân kịp thời, quy định cụ thể tên cơ quan, bộ ngành có trách nhiệm truyền phát thông tin, chuẩn hóa nội dung bản tin...
Liên quan đến các hành vi bị cấm trong hoạt động KTTV, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị rà soát lại các hành vi bị cấm nêu tại Điều 6 của dự thảo; đặc biệt là khoản 7 có thể sẽ hạn chế quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi phát hiện ra những nguy cơ KTTV. “Tuy họ không đăng ký trong lĩnh vực này, nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng mà đưa ra dự báo, cảnh báo; hỗ trợ ngăn ngừa thảm họa thiên tai sao lại cấm?” - ĐB Ngô Thị Minh đặt vấn đề. Cũng liên quan đến việc hoạt động dịch vụ KTTV không do các cơ quan nhà nước thực hiện, ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nhận xét: “Dự thảo thiếu hẳn một điều quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ dự báo KTTV. Nhưng tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay thì chưa nên vội vã mở rộng xã hội hóa dịch vụ này”. Có ý kiến khác với ĐB Phạm Tất Thắng, ĐB Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) bày tỏ mong muốn dự thảo tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia để tạo động lực phát triển mới cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cho rằng dự thảo luật mới chỉ xác định trách nhiệm cá nhân/tổ chức dự báo sai khi làm không đúng quy trình, ĐB Phạm Thị Phương góp ý: “Đây là một hoạt động khoa học nên phải đảm bảo độ chính xác, chỉ có thể chấp nhận một sai số cho phép. Không làm sai quy trình, nhưng dự báo sai do năng lực, trình độ chuyên môn kém thì cũng phải bị xử lý”.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự luật đã được chuẩn bị khá công phu. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát lại từ ngữ, bố cục và một số nội dung còn ý kiến tranh luận như về phạm vi điều chỉnh, các hành vi bị cấm, các quy định về xã hội hóa hoạt động KTTV; về dự báo, cảnh báo KTTV; cấp phép cho hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV...
ANH THƯ