- Hỏi: Công ty của tôi có một số lao động xin nghỉ việc tạm thời không hưởng lương do hoàn cảnh gia đình khó khăn và con còn nhỏ. Vậy công ty tôi có phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho số lao động xin nghỉ việc không hưởng lương hay không? Trong trường hợp này, người lao động xin đóng bảo hiểm tự nguyện cho liên tục thời gian tham gia BHXH có được không? Cách thức tham gia như thế nào, mức đóng ra sao?
Trần Khang (TPHCM)
>> Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM trả lời: Nguyên tắc chung là chỉ đóng BHXH bắt buộc khi có quan hệ tiền lương. Theo thông tư của Bộ LĐTB-XH, nếu số ngày làm việc dưới 14 ngày trong tháng thì tháng đó không đóng BHXH (bắt buộc). Vì vậy, nếu nghỉ không hưởng lương quá nửa tháng trở lên thì không thể đóng BHXH. Trong những tháng người lao động không tham gia BHXH bắt buộc thì có thể xin đóng BHXH tự nguyện. Để đóng BHXH tự nguyện, người lao động cần mang sổ BHXH đến cơ quan BHXH quận/huyện nơi đang cư trú để làm thủ tục đóng.
Xin lưu ý thêm rằng không cần thiết phải đóng BHXH liên tục. Nếu có gián đoạn thì được cộng dồn các giai đoạn có đóng BHXH khi tính hưởng trợ cấp.
- Năm nay tôi 45 tuổi, là lao động tự do. Vậy tôi muốn tham gia đóng BHXH tự nguyện thì thủ tục ra sao, mức đóng, mức hưởng như thế nào? Trong trường hợp tôi tham gia không liên tục, cụ thể chỉ đóng được 10 năm, sau đó không có thu nhập nên không đóng nữa thì có được nhận trợ cấp một lần hay không?
Muốn tham gia BHXH tự nguyện thì trực tiếp đến đăng ký tại BHXH quận huyện nơi cư trú. Hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện do người tham gia BHXH tự nguyện lập, bao gồm: bản sao giấy khai sinh của người tham gia (1 bản), nếu người tham gia không có giấy khai sinh, có thể thay thế bằng bản sao chứng minh nhân dân có công chứng trong thời gian không quá 1 tháng tính đến thời điểm đăng ký tham gia BHXH tự nguyện; tờ khai tham gia BHXH tự nguyện (mẫu do cơ quan BHXH cấp).
Người đóng BHXH tự nguyện có thể chọn mức thu nhập làm cơ sở đóng từ mức lương tối thiểu chung (hiện nay là 650.000 đồng) đến 20 lần mức lương tối thiểu chung. Mức đóng từ năm 2010 đến hết năm 2012 là 18% mức thu nhập tự chọn. Không cần phải đóng liên tục, nếu có gián đoạn thì được cộng dồn các giai đoạn đã đóng.
Đóng BHXH tự nguyện là để được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động. Cách tính lương hưu tương tự như đối với BHXH bắt buộc. Nếu không đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được hưởng trợ cấp một lần (mỗi năm đóng được trợ cấp bằng 1,5 tháng bình quân mức thu nhập tự chọn đóng BHXH). Tuy nhiên, nếu đóng BHXH tự nguyện để chỉ hưởng trợ cấp một lần thì không có lợi vì mức hưởng ít hơn mức đóng.
Chỉ nên đóng BHXH tự nguyện khi còn trong độ tuổi lao động. Khi đủ 55 tuổi (nữ) hoặc 60 tuổi (nam) mà đóng chưa đủ 15 năm thì không thể đóng tiếp cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu và chỉ có thể hưởng trợ cấp một lần.
Đối chiếu quy định trên, trường hợp của bà không nên đóng BHXH tự nguyện, vì khi bà đủ 55 tuổi chỉ mới đóng được tối đa 10 năm, không thể hưởng lương hưu được.
Ban bạn đọc