Chính quyền đô thị giúp giải quyết nhanh các vấn đề dân sinh của TPHCM

Theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ thảo luận Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) tại TPHCM, trọng tâm là không tổ chức HĐND quận, phường. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Đại biểu Quốc hội, về các vấn đề xung quanh thực hiện mô hình CQĐT.

Tập trung thống nhất giải quyết các “điểm nghẽn”

Thưa đồng chí, vì sao trong nhiều năm, TPHCM kiên trì kiến nghị thực hiện đề án CQĐT?

Đồng chí PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ: TPHCM là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn, đầu tàu cả nước về nhiều mặt. Tuy vậy, trong quá trình phát triển, TPHCM vẫn gặp một số trở ngại, chưa phát huy hết tiềm năng của mình. Một trong những nguyên nhân là do mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở TPHCM chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt.

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê
Hiện nay, TPHCM có hơn 10 triệu dân, có cường độ hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước. Yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính của chính quyền TPHCM phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, đến người dân, doanh nghiệp nhanh và kịp thời, đồng bộ, khắc phục tình trạng cấp trung gian triển khai và hướng dẫn lại. Thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hiện đại, có năng lực lập quy hoạch, kế hoạch, sử dụng hiệu quả các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đô thị là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo. Nếu như trước đây, các quy định còn chưa đầy đủ, thì đến nay Hiến pháp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã cho phép tổ chức chính quyền địa phương ở cấp quận và phường tại TPHCM là UBND quận, UBND phường mà không tổ chức HĐND quận, phường - nếu như Quốc hội cho phép.

Từ yêu cầu khách quan của thực tiễn và căn cứ pháp lý như trên, TPHCM đã nhiều lần kiến nghị để được thực hiện tổ chức chính quyền địa phương. Việc này là cần thiết và phù hợp với quy định.

Khi thực hiện mô hình CQĐT tại TPHCM sẽ mang lại lợi ích cụ thể gì đối với người dân và doanh nghiệp?

Việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã được TPHCM thí điểm thực hiện trong 7 năm (2009-2016), là địa phương có số lượng đơn vị thí điểm nhiều nhất cả nước. Việc không thực hiện HĐND quận, phường mang lại nhiều lợi ích. Trước hết là tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy tinh gọn, chú trọng tính hiệu lực, hiệu quả, tiết kiệm chi ngân sách, tăng nguồn lực chi cho đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân TPHCM. Dự kiến, trong nhiệm kỳ 2021-2026, khi không tổ chức HĐND quận, phường, TPHCM sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng, đồng thời tinh giản 316 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận, phường.

Đối với người dân và doanh nghiệp, việc không tổ chức HĐND quận, phường được TPHCM triển khai gắn với xây dựng đô thị thông minh, cải cách hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến mạnh mẽ sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân.

Đặc biệt, khi không tổ chức HĐND quận, phường thì chính quyền TPHCM sẽ tập trung thống nhất trong việc giải quyết các “điểm nghẽn” như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường và các vấn đề dân sinh. Việc giải quyết xử lý sẽ hiệu quả hơn so với hiện nay nhờ bộ máy tinh gọn. Khi giảm tầng nấc, không phải thông qua nhiều cấp chính quyền, thời gian triển khai các kế hoạch được nhanh hơn, phù hợp với tính chất, yêu cầu quản lý của một đô thị đông dân. Đây cũng là cơ hội để đổi mới, sắp xếp và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Không thí điểm

Vì sao TPHCM kiến nghị thực hiện ngay CQĐT mà không qua bước thí điểm, thưa đồng chí?

Như trên tôi đã chia sẻ, TPHCM đã có 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND ở các quận, huyện và phường. Việc thí điểm đã cho thấy nhiều lợi ích khi bộ máy tinh gọn hơn. Quy mô thí điểm lúc đó còn lớn hơn bây giờ (bây giờ đề xuất không thực hiện HĐND ở quận và phường, các huyện vẫn có HĐND).

Cùng với kinh nghiệm thực tiễn, giờ đây, cơ sở pháp lý đã ngày càng rõ và đầy đủ cho việc tổ chức CQĐT tại TPHCM. TPHCM không “thí điểm” nữa, bởi nhiều lý do. Dự thảo Nghị quyết về tổ chức CQĐT tại TPHCM được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có hiệu lực. Trong đó, đã quy định chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.

Từ cơ sở thực tiễn 7 năm thực hiện thí điểm tại TPHCM, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức CQĐT tại TPHCM mà không thực hiện thí điểm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, xem xét và đa số các thành viên thống nhất việc không thí điểm.

Khi không còn HĐND quận, phường thì nhiều công việc sẽ dồn lên vai của HĐND TPHCM. Như vậy, HĐND thành phố cần tăng cường hoạt động ra sao để đáp lại yêu cầu, mong mỏi từ cử tri khi họ không còn đại biểu HĐND quận, phường đại diện cho mình?

Đúng là trách nhiệm của HĐND thành phố sẽ nặng nề hơn, khi một số nhiệm vụ quyền hạn của HĐND quận, phường được giao lại cho HĐND thành phố. Thực tế thời gian qua, nhiều tổ đại biểu phát huy rất tốt vai trò của mình ở địa bàn ứng cử, được đông đảo cử tri ủng hộ, đánh giá cao. Tới đây, các đại biểu HĐND TPHCM cần thực hiện hiệu quả hơn nữa trách nhiệm tiếp xúc lắng nghe tiếng nói cùng sự gửi gắm của cử tri, xây dựng kế hoạch định kỳ tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân theo luật định, để những ý nguyện của cử tri sẽ được phản ánh đầy đủ hơn dù không còn HĐND cấp quận, phường. Thường trực HĐND TPHCM cũng cần phát huy hơn nữa vai trò của mình, tăng cường hoạt động giám sát; đôn đốc kiểm tra UBND thành phố trong thực hiện các Nghị quyết của HĐND thành phố.

Xin cảm ơn đồng chí! 

Tin cùng chuyên mục