
TPHCM đang là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp KH-CN. Nhiều dự án, đề tài sau nghiên cứu được ứng dụng, giúp doanh nghiệp giảm chi phí nhập khẩu máy móc, tăng sức cạnh trạnh sản phẩm. Tuy nhiên, thành phố vẫn đang tồn tại những “trở lực” khiến các chương trình chưa phát huy tối đa hiệu quả như kỳ vọng.
Ông Đỗ Nam Trung, Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KH-CN TPHCM), cho biết, trong giai đoạn 2011-2014, Sở KH-CN đã triển khai 8 đề tài chương trình ứng dụng KH-CN hỗ trợ doanh nghiệp. Riêng đối với hai chương trình trọng điểm là thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước thay thế hàng nhập khẩu (còn gọi là Chương trình 04) và chế tạo robot công nghiệp đã triển khai tổng cộng 47 đề tài với kinh phí hỗ trợ đạt 76 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí từ ngân sách KH-CN gần tương đương với kinh phí đầu tư từ xã hội. Điều này phản ánh sự thay đổi nhu cầu của doanh nghiệp cũng như các trường - viện đối với sản phẩm công nghệ trong nước.
Tuy nhiên, thạc sĩ Lê Thanh Hải (Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế TPHCM) tỏ ra lo lắng khi chỉ có khoảng một nửa trong tổng số doanh nghiệp tại địa bàn thành phố biết đến các chương trình hỗ trợ và cũng chỉ khoảng hơn một nửa số doanh nghiệp kể trên tham gia ứng dụng hoạt động KH-CN nhờ sự hỗ trợ chính sách. Ngay trong lĩnh vực thiết bị máy móc, sau 4 năm chỉ có khoảng 40 đơn vị tham gia. Số doanh nghiệp đăng ký và được công nhận là doanh nghiệp KH-CN cũng chỉ đạt trên 10 doanh nghiệp.

Ứng dụng KH-CN trong sản xuất tại một doanh nghiệp
Ông Trần Bửu Long, đại diện Quỹ bảo lãnh tín dụng TPHCM, cho rằng, nguyên nhân nằm ở thủ tục xét duyệt cho các đối tượng được hưởng ưu đãi còn quá phức tạp, rườm rà. Từ đó, khiến các doanh nghiệp không hào hứng tham gia. Rất nhiều doanh nghiệp phàn nàn “mặc dù đã áp dụng chế độ một cửa, nhưng thay vì phải đi đến nhiều cửa thì doanh nghiệp lại phải đi nhiều lần”. Với riêng chương trình kích cầu thông qua đầu tư của thành phố, doanh nghiệp vừa phải được ngân hàng xem xét cho vay, vừa phải chờ các sở ngành liên quan có ý kiến thì mới được xem xét ghi vốn. Vì vậy, thời gian xử lý khá dài, cơ hội cạnh tranh giảm.
Theo bà Trương Thị Hồng Hà, Công ty Công nghệ sinh học dược Nanogen, các khó khăn hiện hữu của doanh nghiệp không phải tập trung ở việc phát triển như thế nào, hợp tác với chuyên gia nước nào, mà từ định hướng phát triển của công ty. Có định hướng phát triển tốt, các doanh nghiệp sẽ giảm thiểu được rủi ro trong việc đầu tư. Từ đó, sẽ mạnh dạn hơn trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản xuất. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị thành phố nên có những chương trình nghiên cứu, định hướng thị trường để cho doanh nghiệp nhìn vào đó mà phát triển. Đồng quan điểm đó, ông Đỗ Phước Tống, Công ty Cơ khí Duy Khanh, đề xuất kinh phí nhà nước phải tập trung hỗ trợ các sản phẩm mới tiềm năng do doanh nghiệp đang nghiên cứu, triển khai. Khi hoàn tất đề tài, dự án, Sở KH-CN chủ động hỗ trợ thương mại hóa. Bởi ngoài khả năng nghiên cứu, doanh nghiệp hoặc nhà khoa học không đủ vốn để quảng bá, triển lãm, xúc tiến thương mại.
|
TƯỜNG HÂN