Chờ đến bao giờ?

Năm 2001, khi công trình cầu và hầm chui Văn Thánh 2 được xây dựng thì một loạt nhà ở khu vực phường 22, quận Bình Thạnh TPHCM cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều căn nhà trong tình trạng lún nứt, nghiêng, nguy cơ sập có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong số đó, nhà ông Nguyễn Trung Thịnh, ngụ 31C/1 Ngô Tất Tố là một trong những căn bị ảnh hưởng nặng nhất. UBND quận Bình Thạnh đã yêu cầu Công ty TNXP và UBND phường 22 phối hợp cùng đơn vị kiểm định giám định để có biện pháp khắc phục, đồng thời nhanh chóng bố trí chỗ ở tạm hoặc cấp kinh phí thuê nhà ở tạm cho gia đình ông Thịnh.

Tuy nhiên, các đơn vị liên quan vẫn “à ơi” không giải quyết dứt điểm những thiệt hại gây ra cho các hộ dân. Chịu không được cảnh “có nhà mà không thể ở”, ông Thịnh xin địa phương chấp thuận cho ông sửa lại căn nhà theo đúng hiện trạng trước khi nứt, lún. Một thời gian sau, Công ty Kiểm định Sài Gòn công bố kết quả kiểm định mà theo đó nguyên nhân gây hư hỏng các căn nhà ở phường 22 là do thi công hầm chui Văn Thánh 2 gây ra. Đến lúc này, Công ty TNXP mới đồng ý đền cho ông… 3,157 triệu đồng! Quá bức xúc vì số tiền bỏ ra để thuê nhà ở tạm trong gần 5 năm qua (lẽ ra chủ đầu tư phải lo) và số tiền sửa chữa lại nhà lên đến gần 240 triệu đồng, ông Thịnh quyết định đâm đơn kiện chủ đầu tư công trình ra tòa.

Tuy nhiên, hành trình đi kiện của ông cũng nhiêu khê không kém. Ông kể: thứ năm, ngày 12-4-2007, tôi đem đơn đến Tòa án Nhân dân (TAND) quận Bình Thạnh thì thấy bảng thông báo chỉ nhận thụ lý đơn kiện vào các sáng thứ hai, tư, sáu. Sáng thứ sáu, tôi lại đem đơn đến, xem qua hồ sơ, nhân viên tiếp nhận yêu cầu tôi phải sửa lại nội dung đơn kiện, ghi cụ thể khoản tiền yêu cầu bồi thường và bổ sung giấy chủ quyền căn nhà.

Tôi đem hồ sơ về, đánh máy lại đơn và photo giấy tờ cần thiết, chạy vội lên tòa. Hơn 10 giờ sáng, tôi nộp lại hồ sơ. Cô nhân viên thụ lý hồ sơ tiếp tục chất vấn về địa chỉ chủ đầu tư công trình. Sau khi biết đơn vị này không nằm trên quận Bình Thạnh, cô “chỉ” ngay tôi qua nộp ở TAND quận 5. Đã hết giờ làm việc, tôi đành phải mang hồ sơ về. Sau khi dò hỏi, tôi mới biết ban quản lý công trình cũng không còn nằm ở quận 5, mà ở quận 3. Thế là tôi lại “ba chân bốn cẳng” chỉnh sửa lại đơn kiện để nộp hồ sơ qua TAND quận 3. Cuối cùng, TAND quận 3 chịu tiếp nhận đơn tôi.

“Nhưng đã gần 1,5 năm rồi nhưng tôi vẫn chưa thấy có gì tiến triển. Nếu có lý do gì mà không thụ lý thì phải thông báo cho người dân biết chứ, đằng này…”, ông Thịnh ngán ngẩm.

Thẩm quyền thụ lý vụ kiện dân sự của tòa án đã được quy định khá cụ thể, nhưng người dân vẫn bị “hành” bằng nhiều cách khác nhau. Trong khi quyền lợi của người dân bị xâm phạm nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ thì những đơn vị làm ăn tắc trách, thiếu trách nhiệm vẫn không phải chịu trách nhiệm gì. “Chờ đến bao giờ?” không chỉ là câu hỏi của riêng ông Thịnh, mà còn của nhiều người dân khác với các cơ quan chức năng! 

LINH ĐAN

Tin cùng chuyên mục