Chống buôn lậu tận gốc

Hiện nay, trên khắp các đô thị và vùng nông thôn ở ĐBSCL, cũng như nhiều địa phương vùng Đông Nam bộ, không khó để người dân tìm mua những loại hàng hóa nhập lậu. Đặc biệt, thuốc lá ngoại nhập lậu và đường cát Thái Lan gần như được bán tràn lan. Trên tuyến biên giới Tây Nam qua tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp…, lúc nước lũ tràn ngập các cánh đồng thì không khí buôn lậu nóng lên hầm hập. Vì siêu lợi nhuận, nên hàng lậu gồm: vàng miếng, đồ điện tử, thuốc lá, đường cát, rượu ngoại, mỹ phẩm, phụ tùng ô tô… bằng mọi ngõ ngách, thủ đoạn tinh vi được tuồng qua biên giới, len lỏi vào sâu trong nội địa tiêu thụ. Lượng hàng hóa nhập lậu rất lớn, gây thiệt hại nền kinh tế.

Đặc biệt, hàng lậu đang gây tác hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp sản xuất trong nước trong thời buổi khó khăn, chi phí sản xuất leo thang, khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng…

Hiện tại, các nhà máy đường và nông dân trồng mía ở ĐBSCL đang thua lỗ nặng nề vì đường Thái Lan nhập lậu được bán tràn lan trên thị trường với giá thấp hơn đường nội địa từ 500 - 1.000 đồng/kg. Giá thành sản xuất của các nhà máy đường hiện cao hơn giá bán, nhưng rất khó tiêu thụ. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mỗi năm có 400.000 tấn đường cát Thái Lan được nhập lậu vào Việt Nam, chủ yếu qua biên giới Tây Nam, chiếm 30% sản lượng đường tiêu thụ trong nước. Lượng đường nhập lậu này khiến Nhà nước thất thu ít nhất 650 tỷ đồng mỗi năm, trong đó khoảng 5% thuế nhập khẩu (khoảng 250 tỷ đồng) và mất 5% thuế VAT (250 tỷ đồng), đồng thời các đối tượng buôn lậu còn trốn hàng trăm tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chống buôn lậu ở ĐBSCL bắt giữ hàng ngàn vụ buôn lậu với tổng trị giá hàng hóa hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, nhận định của các cơ quan chức năng, thực tế lượng hàng hóa được tuồn qua biên giới, tiêu thụ tại thị trường trong nước lớn hơn gấp nhiều lần. Ước tính của các cơ quan chức năng, mỗi năm có hơn 600 triệu gói thuốc lá ngoại được nhập lậu vào Việt Nam. Trong đó các cửa ngõ ở biên giới Tây Nam đóng vai trò chính yếu.

Hiện nay, trong lúc các lực lượng chống buôn lậu vừa yếu vừa thiếu, còn nhiều khó khăn, phối hợp chưa thật sự chặt chẽ thì lực lượng buôn lậu ngày càng hùng hậu, được tổ chức bài bản với nhiều thủ đoạn tinh vi và mạng lưới rộng rãi; phương tiện, thiết bị buôn lậu có công suất lớn, hiện đại. Hoạt động buôn lậu chỉ tạm lắng khi cơ quan chức năng mở chiến dịch phối hợp truy quét, sau đó thì đâu lại vào đấy, thậm chí còn “hoành tráng” hơn về quy mô và giá trị… Cũng không loại trừ một số trường hợp cán bộ chống buôn lậu vì lợi ích cá nhân đã tiếp sức, làm lơ cho các đường dây buôn lậu quy mô.

Các đầu nậu, chủ đường dây buôn lậu thiết lập hẳn một hệ thống “ăng ten” ngày đêm theo dõi nhất cử nhất động của lực lượng chống buôn lậu để tùy cơ ứng biến. Phần lớn đối tượng tham gia vận chuyển hàng nhập lậu là những người không nghề nghiệp, thành phần gia đình nghèo khó; lấy hoạt động vận chuyển thuê làm thu nhập chính, nên họ liều lĩnh và sẵn sàng chống đối để thoát thân hoặc tạo điều kiện cho đồng bọn tẩu tán tang vật khi bị vây bắt.

Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới đạt hiệu quả cao hơn, Ban chỉ đạo 127 các địa phương cần đẩy mạnh và duy trì thường xuyên sự phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng (công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường…) trong việc chống buôn lậu, đặc biệt tại những điểm nóng và cung đường hàng lậu. Kiên quyết đấu tranh làm trong sạch nội bộ lực lượng chống buôn lậu, loại thải những trường hợp tha hóa, biến chất “bắt tay” với dân buôn lậu. Chính quyền và ngành chức năng cơ sở triển khai nhiều biện pháp quản lý tốt hoạt động các chợ, trung tâm thương mại, thị trấn, thị tứ vùng biên giới; xử lý nghiêm tình trạng thâm nhập, buôn bán hàng lậu, hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Đẩy mạnh tuyên truyền người dân địa phương hiểu rõ sự nguy hại của hàng lậu đối với nền kinh tế, không tham gia tiếp tay vận chuyển, lưu trữ, tiêu thụ hàng lậu. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế ở các địa phương vùng biên giới, tạo điều kiện giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, nhất là những người từng tham gia vận chuyển hàng lậu… Các doanh nghiệp trong nước cũng cần tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, hạ giá thành… để sản phẩm ra thị trường đủ cạnh tranh với hàng lậu, chinh phục người tiêu dùng trong nước… Phải làm đồng bộ nhiều giải pháp, kiên trì lâu dài, tận gốc mới mong đẩy lùi được vấn nạn buôn lậu.

Huy Phong

Tin cùng chuyên mục