Ngày 14-8, theo sự phân công của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và UBND TPHCM sẽ đồng chủ trì diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cấp quốc gia lần đầu tiên trong cả nước. Buổi diễn tập sẽ được ghi hình, chia sẻ tới 62 tỉnh, thành để trao đổi, nâng cao hiệu quả của các lực lượng chức năng, nhất là trong việc phối hợp xử lý các tình huống thảm họa.
Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) TPHCM, cho biết: Buổi diễn tập cấp quốc gia sẽ diễn ra tại tòa nhà Diamond Plaza (21 tầng, quận 1, TPHCM). Đây là công trình phức hợp, vừa là trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, căn hộ cho thuê, nhà hàng, văn phòng làm việc, phòng khám đa khoa… có tính tiêu biểu về công năng nhà ở cao tầng. TPHCM, nơi có nhiều nhà cao tầng, siêu cao tầng; lực lượng Cảnh sát PCCC TP được đầu tư hiện đại nhất cả nước nên được lựa chọn làm nơi diễn tập. Gần 2.800 người gồm lực lượng cảnh sát PCCC (của TPHCM và Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn - Bộ Công an), công an, quân đội, người dân… với 10 chó nghiệp vụ, 2 trực thăng và 80 xe các loại.
* PV: Thưa thiếu tướng, vì sao đến nay buổi diễn tập cấp quốc gia về chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn mới được thực hiện?
* Thiếu tướng TRẦN TRIỀU DƯƠNG: Trong bối cảnh đô thị hóa, nhiều nhà siêu cao tầng mọc lên và công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn còn nhiều bất cập… Xe chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn chỉ vươn tới tầng 20 nhưng ở TP đã có tòa nhà cao đến 68 tầng. Các nhà cao tầng thường có số lượng người đông, công năng sử dụng phức tạp, tập trung khối lượng chất cháy lớn nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, có nơi, có lúc, các cơ sở vẫn chưa đề cao và quan tâm đúng mức thực hiện các biện pháp an toàn PCCC. Còn đối với người dân, hỏa hoạn là vấn đề “trời kêu ai nấy dạ”. Trước đòi hỏi của thực tế, lần đầu tiên, buổi diễn tập phương án cấp quốc gia được triển khai nhằm nâng cao ý thức người dân, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và phối hợp tác chiến giữa lực lượng trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
* Từ nhiều vụ cháy nhà cao tầng vừa qua, người dân rất mong có sự xuất hiện của trực thăng chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Ở diễn tập tới đây, có 2 trực thăng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Đây có phải là tín hiệu cho thấy mong mỏi của người dân sắp thành hiện thực, nếu xảy ra cháy thật?
* Sau vụ cháy kinh hoàng tại ITC vào năm 2002, TP đã nghiên cứu, tiếp cận phương tiện trực thăng chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, lực lượng PCCC TPHCM lần lượt có 6 máy bay chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Việc đầu tư trang bị máy bay là cấp thiết để tham gia chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn khi TP ngày càng phát triển. Tuy nhiên, làm sao để máy bay cất cánh được (về cơ chế bay) vẫn còn nhiều vấn đề cần trao đổi thêm với quân đội. Đợt diễn tập này có sự tham gia của 2 trực thăng cất cánh và hạ cánh tại khu vực sân vận động Phú Thọ, có thể sẽ tạo tiền đề tốt cho việc sử dụng trực thăng chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trong tương lai.
| |
TUẤN VŨ - MẠNH HÒA (thực hiện)