Chủ động đối phó rào cản thương mại

Trước thông tin Bộ Thương mại Mỹ vẫn giữ quyết định xem xét hành chính lần thứ 8 về mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ, các chuyên gia khuyến cáo: Để hạn chế rủi ro, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần chủ động “làm quen” các rào cản thương mại khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Thực tế cho thấy đã và đang có không ít doanh nghiệp Việt Nam luôn bị lép vế và thua thiệt trong các vụ tranh chấp thương mại và kiện chống bán phá giá khi tham gia hội nhập. Trung bình mỗi năm Việt Nam xảy ra gần 100 vụ kiện chống bán phá giá và tranh chấp thương mại, đa số các vụ kiện này phần thiệt thòi luôn thuộc về doanh nghiệp nước ta bởi tỷ lệ thua kiện chiếm đến gần 70% và Việt Nam nước đứng thứ 7 trong 100 nước bị kiện nhiều nhất thế giới.

Hiện nhiều nước coi rào cản thương mại chính là công cụ để chặn hàng xuất khẩu của nước khác. Các thị trường này, nhất là EU và Mỹ, luôn phát sinh nhiều tiêu chuẩn mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải vượt qua như: Tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật an toàn vệ sinh thực phẩm SPS, đóng gói, duy trì ổn định chất lượng sản phẩm, chỉ thị REACH (quy định hóa chất không được sử dụng trong sản phẩm thực phẩm, hàng dệt may có khả năng gây ung thư)… Những rào cản này khiến các doanh nghiệp Việt Nam lao đao. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp còn bỡ ngỡ trong việc tiếp cận thông tin pháp luật thương mại của các nước mà Việt Nam tham gia ký kết.

Để ứng phó với những thách thức này, các chuyên gia nhấn mạnh, khi triển khai hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp nên tập trung nghiên cứu kỹ các hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương. Doanh nghiệp cần sử dụng tư vấn pháp lý ngay từ khâu chuẩn bị đàm phán, trong đàm phán cho đến khâu ký kết hợp đồng, kể cả khi có tranh chấp thương mại. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải xây dựng tính cộng đồng cao hơn nữa, biết bảo vệ nhau để tự bảo vệ lợi ích của mình khi tham gia xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Riêng về mặt hàng thủy sản, theo Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đơn vị này cùng với các bộ, ngành trung ương đang nỗ lực thúc đẩy việc đạt được công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia nhập khẩu về các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế, nhằm giảm số lượng chứng nhận tự nguyện trên một sản phẩm, đồng nghĩa với giảm được chi phí cho doanh nghiệp. Cho đến nay, Tổng cục Thủy sản cũng đã xây dựng tiêu chuẩn VietGap sản phẩm thủy sản có các điểm tương quan về mặt kỹ thuật, nội dung với những chứng nhận quốc tế.

Thực tế các hàng rào thương mại do các nước dựng lên đều hết sức ngặt nghèo với mục đích hạn chế nhập khẩu và áp dụng cho các nước trên toàn thế giới. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không còn cách nào khác là phải chấp nhận. Theo Bộ Công thương, vấn đề của chúng ta là cần phải nhanh chóng tổ chức lại sản xuất và kinh doanh theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Để chủ động, điều đầu tiên là doanh nghiệp cần phải nắm thật kỹ các quy định và phải tuân thủ nghiêm ngặt, đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường thế giới. Chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe, môi trường…

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của hiệp hội ngành hàng xuất khẩu trong điều tiết xuất khẩu ngành hàng. Hiện nay chưa có quy chuẩn chung về hành vi bán phá giá nên mỗi quốc gia áp dụng những quy chuẩn khác nhau. Do đó, khi xâm nhập vào thị trường của các quốc gia nhập khẩu, nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị những kiến thức về các quy chuẩn này để tránh việc mắc phải các rào cản.

H. LUÔNG

Tin cùng chuyên mục