Chủ động kế hoạch bình ổn thị trường

Dự báo trong thời gian tới, sức mua cũng như doanh thu bán lẻ hàng hóa tiếp tục tăng do các sự kiện lớn tập trung vào những tháng cuối năm. Vì thế, các địa phương tại phía Nam đã sớm ban hành kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để phục vụ người dân.
Hàng hóa được các nhà bán lẻ dự trữ và phân phối với giá ổn định
Hàng hóa được các nhà bán lẻ dự trữ và phân phối với giá ổn định

Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trên địa bàn năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Theo kế hoạch, 8 mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình hàng bình ổn đợt này gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gà, trứng gà, nước chấm, rau củ quả. Nguồn kinh phí để sản xuất, dự trữ hàng có tổng giá trị hơn 180,4 tỷ đồng; trong đó, các doanh nghiệp (DN) dự kiến tổ chức dự trữ 14.000 tấn gạo, 1.400 tấn đường, 2.100 tấn thịt heo, 1.400 tấn thịt gà, 11,2 triệu quả trứng gà, 1.400 lít dầu ăn, 5.600 tấn rau củ quả, 700.000 lít nước mắm và 700.000 lít nước tương.

Tương tự, Chương trình bình ổn thị trường năm 2020 và Tết Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã được triển khai để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội; đồng thời, gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trên tinh thần đó, tỉnh này sẽ bình ổn các nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm gạo, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mì ăn liền, cháo ăn liền), đường, dầu ăn, thịt gia súc - gia cầm… Đáng chú ý, tỉnh Trà Vinh khuyến khích DN tham gia Chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, các huyện vùng sâu. 

Với tỉnh An Giang, Sở Công thương An Giang cho biết, dự kiến những tháng cuối năm nay, tổng lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ của các DN tại An Giang tham gia bình ổn thị trường lên đến 3.339 tỷ đồng. Trong đó, lương thực, thực phẩm, hóa mỹ phẩm là 999 tỷ đồng; hàng hóa khác như gạo, nước chấm là 206 tỷ đồng. Các DN sẽ bố trí 76 điểm bán hàng bình ổn, phân bổ đều tại 11 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. 

Bên cạnh đó, để bình ổn thị trường, các địa phương cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán của các thương nhân, nhằm kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật chất lượng sản phẩm, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật.

Nhìn chung, Chương trình bình ổn thị trường được các DN tích cực hưởng ứng tham gia với việc chủ động tăng nguồn hàng, đảm bảo chất lượng, giá cả bán ra cho người tiêu dùng. Đặc biệt, các DN, nhà bán lẻ, cửa hàng tiện ích còn cho biết sẽ thường xuyên thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng trong thời điểm cuối năm.

Tin cùng chuyên mục