Chủ động nguồn lực đón sóng

Theo số liệu vừa được cơ quan thống kê quốc gia công bố, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng đầu năm chỉ đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019. 

Mặc dù vậy, nhiều dự báo từ các nhà kinh tế cho rằng thời gian tới, tình hình sẽ được cải thiện. Một trong những cơ sở khả quan cho dự báo này là trong tháng 6-2020, vốn đăng ký vào Việt Nam đã tăng 14,9% so với tháng 5-2020. 

Một dự án lớn giúp thay đổi bức tranh đầu tư tháng 6 chính là Texhong Dệt kim, đặt tại Quảng Ninh, vốn đầu tư 214 triệu USD. Đây chính là khu công nghiệp mà Tập đoàn Texhong (Hồng Công) đầu tư để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các lĩnh vực dệt may, xơ sợi…

Giữa thời điểm cả thế giới đang lao đao vì dịch Covid-19, hồi tháng 3 vừa qua, trong cuộc làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Texhong, ông Tao Hui, Tổng giám đốc Texhong Việt Nam, cho biết, Texhong dự kiến đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong năm 2020. Và Texhong đã thực hiện bước 1 đúng kế hoạch dự kiến. 

Trong số các dự án quy mô lớn đăng ký vào Việt Nam trong tháng 6 còn có dự án Nhà máy sản xuất bản mạch điện tử cho thiết bị đeo của USI (Trung Quốc) được cấp chứng nhận đầu tư, với vốn đăng ký 200 triệu USD, cho thấy nhà đầu tư vẫn có niềm tin vào khả năng hiện thực hóa mục tiêu kép của Việt Nam: vừa chống dịch, vừa từng bước phục hồi kinh tế. Trong một diễn biến khác, theo Sách Trắng 2020 mà Hiệp hội Các doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) vừa công bố tuần này, từ năm 2014, Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI, thể hiện đánh giá của cộng đồng châu Âu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam) đã ghi nhận đánh giá tích cực và nhất quán trên 70%, nhất là năm 2018 và 2019 đều ở mức cao hơn 80%. 
Vừa qua, tương tự xu hướng chung trên toàn thế giới, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh toàn cầu, BCI của EuroCham sụt giảm xuống mức thấp nhất từng ghi nhận (26%) vào quý 1 năm 2020. Nhưng nguyên nhân trực tiếp cho sự đảo chiều đánh giá này là dịch Covid-19, chứ không phản ánh sự phát triển của Việt Nam hay chính sách của Chính phủ - Sách Trắng 2020 nêu rõ. Thực tế là một số doanh nghiệp châu Âu đã đầu tư ở Việt Nam từ khá lâu và tăng trưởng đều đặn, bền vững. Chẳng hạn, Tập đoàn Bosch (Đức) đã liên tục tăng vốn đầu tư tại Việt Nam từ 55 triệu EUR lên tới 321 triệu EUR (khoảng 380 triệu USD) ở thời điểm hiện tại.
Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham, cho biết, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua với rất nhiều cam kết toàn diện và công bằng sẽ tạo ra áp lực lành mạnh cho những cải cách thể chế, từ đó “kích thích hoạt động thương mại của Việt Nam với thị trường tiêu dùng lớn ở châu Âu, tăng cường vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế và thu hút về Việt Nam nhiều nguồn đầu tư mới”. Bên cạnh đó, xu hướng phân tán rủi ro, dịch chuyển dòng đầu tư sang Việt Nam khi nổ ra thương chiến Mỹ - Trung nay càng được khẳng định sau biến cố Covid-19. Cơ hội cho Việt Nam là rất lớn, nhưng để tận dụng được tốt nhất cơ hội đó thì những tín hiệu lạc quan như đã nêu trên có lẽ vẫn chưa đủ. 
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp nước ngoài, tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư, ông được biết họ vẫn lo ngại sự thiếu nhất quán, thiếu minh bạch, lo chất lượng nguồn nhân lực, rồi phải trả các chi phí không chính thức... Chính vì thế mà việc thực hiện nghiêm túc EVFTA hay EVIPA, từ chuẩn bị quỹ đất sạch, minh bạch hóa thông tin, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cơ sở hạ tầng, đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… là yếu tố quyết định việc các nhà đầu tư có đến, hay chuyển đến và ở lại lâu dài với Việt Nam. Còn nhớ, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội bàn về việc thông qua EVFTA và EVIPA, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đã ví von rất ấn tượng: Khi thực thi 2 hiệp định này, chúng ta phải bắt đầu cuộc đua, chứ không phải bắt đầu bữa tiệc. Nếu không chuẩn bị tốt, chúng ta có thể tụt hậu, ách tắc trong bẫy thu nhập trung bình. Khi đó, bữa tiệc sẽ do người khác hưởng.

Tin cùng chuyên mục