Chủ động qua trạng thái mới

Chiều 15-4, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ bàn về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc thực hiện cách ly xã hội đến ngày 22-4 đối với TPHCM, Hà Nội và 10 tỉnh thành có nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, nhóm tỉnh thành này không phải là bất biến, mà có thể thay đổi. Việc cách ly xã hội kéo dài đến 22-4, hoặc 30-4 tùy tình hình thực tế. Ngoài nhóm 12 địa phương “nguy cơ cao” này thì có 15 tỉnh thành được xếp nhóm “nguy cơ”, số còn lại là nhóm “nguy cơ thấp”. Hai nhóm sau không cần tiếp tục cách ly xã hội, nhưng sẽ có quy định cụ thể về hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo yêu cầu chống dịch với các điều kiện bắt buộc. 

Hiện nay, mức độ nguy cơ của từng địa phương thay đổi theo tình hình, dữ liệu được cập nhật hàng ngày và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực ứng phó. Ví dụ như quy định về đeo khẩu trang, không tụ tập đông người. Nếu các biện pháp cơ bản đó được thực hiện nghiêm thì nguy cơ bùng phát sẽ giảm đáng kể.

Sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly xã hội, dù có những diễn biến phức tạp, nhưng hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 là điều không phải nghi ngờ. Nhờ tính quyết liệt, thực hiện đồng bộ cả nước, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được các nguồn bệnh, kiềm chế không để các ca bệnh bùng phát nhanh; đồng thời điều trị bệnh nhân hiệu quả (số ca khỏi trên 60%). Việt Nam cũng chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong vì Covid-19. Đó là một thành tích vô cùng ấn tượng; là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và của mọi người dân Việt Nam. 

Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay, như Thủ tướng nhận định, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất chính là các loại hình doanh nghiệp và người yếu thế trong xã hội. Không chỉ những tập đoàn lớn gặp khó khăn mà cả các doanh nghiệp tư nhân, các hợp tác xã cũng hết sức khó khăn. Nhiệm vụ đặt lên vai Chính phủ lúc này là phải duy trì mục tiêu kép: vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa giữ cho nền kinh tế không bị đứt gãy, giữ việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết. Vì vậy việc tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đối với nhóm “nguy cơ cao” là cần thiết. Nhưng với 2 nhóm còn lại cần phải “nới lỏng” theo đối tượng cụ thể để toàn xã hội và nền kinh tế có thể sớm hồi phục. Có như vậy mới có thể thực hiện được mục tiêu kép đề ra. Ngay với nhóm địa phương “nguy cơ cao”, cũng cần sớm có những “nới lỏng” với các ngành nghề, hoạt động nhất định theo điều kiện cụ thể. TPHCM và Hà Nội là 2 trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất của cả nước, nếu duy trì việc cách ly toàn xã hội triệt để, cứng nhắc và kéo dài thì chắc chắn tác động xấu đến kinh tế - xã hội cả nước.

Trên thế giới, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với số người mắc bệnh và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng. Khi chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, thì chắc chắn dịch này chưa thể kết thúc sớm. Chính vì thế, Mỹ và nhiều nước châu Âu dù đang phải vất vả phòng chống dịch bệnh, nhưng đều đã tính tới phương án nới lỏng các biện pháp cách ly, phong tỏa để từng bước phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch và cả khi dịch bệnh chưa chấm dứt. Việt Nam đã làm tốt khâu kiểm soát, phòng chống dịch và giờ bắt đầu bước vào giai đoạn mới: kiểm soát tốt các nguồn bệnh, chấp nhận có người mắc bệnh, nhưng phải phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. 

Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương ngày 10-4, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cho rằng, Việt Nam cần chủ động chuẩn bị để đến cuối quý 2 có thể chuyển đất nước sang trạng thái mới: đó là có thể có người bị nhiễm nhưng không có dịch Covid-19. Tức là Việt Nam có thể kết thúc được dịch nhưng không kết thúc được việc có người nhiễm, phải chung sống với tình trạng này lâu dài và trở thành bệnh truyền nhiễm như các bệnh truyền nhiễm khác. Đó là trạng thái tốt nhất cho đất nước.

Tin cùng chuyên mục