Trong thời công nghệ thông tin, Internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay, mạng xã hội khẳng định ưu thế, mỗi trang mạng đều có thể đưa thông tin, thông điệp của mình với sức lan tỏa rất nhanh. Các thế lực thù địch và phần tử xấu đã lợi dụng yếu tố này, sử dụng các trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài để liên tục xuyên tạc, bịa đặt, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, theo kế sách “mưa dầm thấm sâu”, nhằm gây chia rẽ, gây mâu thuẫn giữa Đảng với nhân dân, giảm sút niềm tin của dân với Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Có những trang mạng xã hội trở thành diễn đàn công khai công kích với những thông tin thất thiệt, rất nham hiểm, vi phạm pháp luật, thế nhưng vẫn có nhiều người đọc và tham gia bình luận.
Điều rất đáng lo là sự ứng phó, đấu tranh chống các thông tin xấu gây nhiễu loạn như vậy vẫn còn lúng túng, chưa chủ động và thiếu nhanh nhạy. Thậm chí nhiều người tuy rất bực khi thấy kẻ xấu ngang ngược lộng hành, phát ngôn xúc phạm, dối trá, nhưng không dám lên tiếng bình luận đấu tranh quan điểm, vì sẽ bị những kẻ xấu xúm nhau “ném đá” bằng những bình luận cay độc, vô văn hóa. Các cơ quan truyền thông cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc đấu tranh này, vì người làm báo phải có thông tin, mà nhiều cơ quan chức năng lại thiếu chủ động và kịp thời cung cấp thông tin.
Nhìn lại thực tế thời gian qua và ngay trước thời điểm tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đã có những trường hợp bị động về truyền thông khi báo mạng nước ngoài và nhiều trang mạng xã hội của các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng khai thác những sự việc đang được dư luận quan tâm, rồi bóp méo, suy diễn, xuyên tạc, biến thành thông tin “động trời” kích động dư luận suốt cả chục ngày, khiến quần chúng nhân dân rất hoang mang, xao động. Tuy nhiên gặp các cán bộ đảng viên để hỏi hoặc gọi đến đường dây nóng của các báo nêu thắc mắc, đều không tìm được câu trả lời. Khi chậm có các thông tin chính thống thì các thông tin không chính thống có cơ hội tung hoành, chiếm lĩnh trận địa.
Triển khai công tác tuyên giáo năm 2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Ngành tuyên giáo cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức công tác; tăng cường cung cấp thông tin, tổ chức đối thoại; đẩy mạnh công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần chủ động nghiên cứu, phân tích dự báo tình hình, chuẩn bị thông tin, lập luận trong điều kiện cụ thể của mình để cung cấp khi cần thiết.
Đó là yêu cầu rất quan trọng và cấp thiết! Giải pháp thực hiện cũng không khác giải pháp bài bản xử lý khủng hoảng truyền thông của doanh nghiệp. Cách ứng phó là lắng nghe dư luận, phải có sách lược, có kế hoạch, hướng tới đối tượng cụ thể. Điều rất quan trọng là không im lặng, không né tránh báo chí, không cung cấp thông tin chung chung, vòng vo, mà phải có người phát ngôn đủ uy tín, cung cấp ngay thông tin cho các cơ quan truyền thông, nhanh chóng đưa ra thông tin trung thực, rõ ràng và thuyết phục. Phát ngôn và hành động một cách nhất quán, không có kẽ hở hay chi tiết thiếu minh bạch khiến có thể bị xuyên tạc, hoài nghi. Biến sự việc thành cơ hội để dư luận thấy rõ ý đồ và bản chất của các thế lực thù địch và kẻ xấu, từ đó tẩy chay các thông tin xấu. Không chỉ bị động ứng phó, mà cần phải chủ động lắng nghe dư luận, có phân công cán bộ, huy động các cơ quan chức năng liên quan tạo thành thế trận vững vàng, định hướng dư luận đúng đắn và mạnh dạn đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chống phá. Các cơ quan nhà nước phải làm tốt công việc này, nhất là làm tốt vai trò người phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, nhanh nhạy và liên tục.
Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn đã lưu ý: “Việc lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng Internet để giả mạo, xuyên tạc, bôi nhọ uy tín danh dự của người khác là hành vi phạm pháp, dù ở bất cứ quốc gia nào; về mặt đạo đức, cũng không một xã hội nào chấp nhận hành vi đó. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên Internet hiện nay, mỗi người cần hết sức tỉnh táo, bình tĩnh xem xét để không mắc phải âm mưu của các thế lực thù địch và phần tử xấu”. Hãy là người tiêu dùng thông minh như trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, độc hại, người dùng mạng xã hội cần nâng cao ý thức, không nhẹ dạ nghe và đồn đãi, chia sẻ phát tán những thông tin xấu, bịa đặt, có hại cho vận mệnh đất nước.
MINH THANH