Những đợt rét đậm rét hại lại đang tràn về miền Bắc, miền Trung, làm người dân không khỏi âu lo khi cũng đợt rét tương tự, kéo dài vào dịp đầu năm 2011 đã làm hơn 26.500 con trâu, bò, ngựa, dê và hàng ngàn con gia cầm ở các tỉnh từ miền Trung trở ra bị chết vì rét. Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), tổng thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng.
So với một nền kinh tế, 130 tỷ đồng chẳng là nhiều, nhưng với từng gia đình nông dân, một con trâu, con bò bỗng nhiên lăn ra chết rét là sự thiệt hại rất lớn, rất đáng kể. Thậm chí ở các huyện nghèo vùng cao bây giờ, con trâu con bò vẫn đang là “đầu cơ nghiệp” của họ.
Những thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra là quá rõ, nhiều gia đình đã nghèo, qua mỗi mùa đông giá rét lại càng nghèo thêm, có gia đình vừa thoát nghèo, lại rơi vào tình trạng tái nghèo.
Nhưng điều mà chúng ta lo lắng hơn là thời tiết dường như ngày càng biến đổi khó lường theo hướng khắc nghiệt, dữ dội, gây nhiều thiệt hại hơn cho sức khỏe con người và sản xuất. Mặc dù các chuyên gia của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng, mùa đông năm nay sẽ bớt khốc liệt hơn những năm trước, nhưng do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cũng thừa nhận, do gần đây biến đổi khí hậu đã tác động khiến thời tiết ngày càng cực đoan hơn, khó dự báo hơn, vì thế không nên chủ quan coi thường, các đợt rét đậm vẫn có thể gây thiệt hại nặng.
Vẫn biết thiên tai, thời tiết ngày càng khắc nghiệt và không tránh khỏi, gây thiệt hại cho sản xuất, đặc biệt là về chăn nuôi nhưng sẽ giảm thiểu nếu chúng ta biết cách phòng tránh tốt. Thế nhưng thực tế những năm gần đây công tác phòng chống rét ở nhiều địa phương vẫn chưa được chủ động, thậm chí còn bị chính quyền địa phương coi nhẹ và người dân chủ quan.
Nhiều người bảo rằng, để chống rét cho gia súc, gia cầm trong đợt rét, có lẽ không cần phải có những dự án lớn, đòi hỏi nhiều tiền mà chỉ cần sự quan tâm sát sao hơn của cán bộ, chính quyền các địa phương cũng như sự chủ động của người chăn nuôi, thông qua các chương trình và việc làm cụ thể như giúp nông dân xây dựng chuồng trại an toàn dịch bệnh, đủ sức tránh rét đậm rét hại, hướng dẫn bà con cách dự trữ cỏ khô, xây dựng đồng cỏ… Tiến xa hơn là chăn nuôi theo quy mô trang trại, quy trình hiện đại, áp dụng tiến bộ công nghệ, mô hình chăn nuôi khép kín, sạch bệnh…
Ông Trần Công Chiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bò sữa Mộc Châu (Sơn La), từng chia sẻ rằng, hiện ở đây đang có tới 7.200 con bò sữa theo quy mô nông trường, do gần 500 gia đình “cổ phần” chăn nuôi. Mỗi con bò sữa trị giá 14 - 20 triệu đồng, nếu bị chết rét, thiệt hại của nông dân rất lớn. Nhưng nhiều năm qua, nông trường đã phổ biến mô hình trồng cỏ, dùng cỏ khô để ủ chua, xây kho tạm trữ. Vì thế, bò sữa đủ cỏ để ăn, ít khi bị chết rét. Có lẽ, làm được như vậy cũng giúp nông dân giảm đáng kể những rủi ro, thiệt hại mỗi khi xảy ra rét đậm rét hại, thiên tai cực đoan, khắc nghiệt.
PHÚC VĂN