Chủ động ứng phó nguy cơ kép

Ngày 25-7, sau nhiều lần xét nghiệm từ địa phương cho tới trung ương để khẳng định chắc chắn, Bộ Y tế đã công bố ca bệnh Covid-19 thứ 416 là một người đàn ông 57 tuổi ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, là trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

Đáng chú ý, việc phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 thứ 416 sau gần 100 ngày, Việt Nam không có ca lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng, cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn khó lường của dịch bệnh nguy hiểm này. 

Phải khẳng định rằng, suốt hơn 3 tháng qua Việt Nam đã kiểm soát tốt được tình hình dịch Covid-19, dù chúng ta vẫn ghi nhận nhiều ca bệnh và chùm ca bệnh nhưng tất cả đều là các ca bệnh nhập cảnh được cách ly và xử lý ngay khi nhập cảnh. Tuy nhiên, điều này cũng chưa thể mang lại sự yên tâm, bảo đảm an toàn tuyệt đối khi nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam rất cao do tình trạng người vượt biên, nhập cảnh trái phép, trốn cách ly vẫn diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng gần đây.

Vì vậy, trong cuộc họp mới đây nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lấy hình ảnh: “Chúng ta là cánh đồng trũng. Bên ngoài nước to, gió lớn nên chúng ta phải bao đê cho chặt...” để nhấn mạnh tới việc phải kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới và người nhập cảnh để hạn chế lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.

Cùng với dịch Covid-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn khi Việt Nam lại ghi nhận người mắc trong cộng đồng là nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác đang có nguy cơ bùng phát và lan rộng. Suốt từ đầu tháng 6 cho tới nay, các tỉnh Tây Nguyên đang phải đối mặt với sự hoành hành của bệnh bạch hầu, với số ca mắc đã lên tới gần 100 người.

Trong khi tại Nam bộ lại đang vào mùa mưa cũng là giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng khi mà số người mắc đang tăng nhanh từng ngày. Ngược ra khu vực Trung bộ và Bắc bộ, nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày cũng khiến cho không ít các dịch bệnh như viêm não, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, thương hàn... gia tăng người mắc.

Rõ ràng, cùng với dịch Covid-19 thì nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác cũng đang vào giai đoạn cao điểm, không chỉ là những dịch bệnh lưu hành thường xuyên mà cả những dịch bệnh mới nổi cũng đang phức tạp và khó lường hơn, khiến người dân và cộng đồng xã hội rất lo lắng khi sức khỏe và tính mạng bị đe dọa. Tuy nhiên, đáng báo động khi ý thức phòng chống dịch bệnh của không ít người đang rất chủ quan, lơ là.

Ý thức đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay thường xuyên, hạn chế tụ tập đông người đang ngày càng bị buông lỏng, xem thường. Thậm chí, nhiều dịch bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa, ngăn chặn bằng vaccine như bạch hầu, thủy đậu, viêm não, sởi... nhưng vẫn không ít người vẫn ngại không đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng dù vaccine rất an toàn và miễn phí.

Dịch bệnh không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người dân mà còn tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước. Nhằm bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh kép, dịch chồng dịch, đòi hỏi mỗi người dân, mỗi gia đình phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm, ý thức phòng ngừa dịch bệnh, nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo của cơ quan y tế về tiêm vaccine đầy đủ, đeo khẩu trang, vệ sinh bàn tay thường xuyên, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc... nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. 

Ngành y tế và hệ thống phòng chống dịch phải nâng cao tinh thần sẵn sàng ứng phó, thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, truy vết người tiếp xúc, cách ly, khoanh vùng sớm để tiến hành dập dịch. Cùng với đó, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phải tăng cường siết chặt quản lý các tuyến biên giới và người nhập cảnh nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa không để nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Kiên quyết làm rõ và xử lý nghiêm đối với bất kỳ cá nhân, địa phương, đơn vị nào lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch, nếu không thiệt hại do dịch bệnh gây ra sẽ rất lớn và lúc đó chúng ta khó có thể thực hiện được thắng lợi “nhiệm vụ kép” vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch.

Tin cùng chuyên mục