Thế nhưng, dường như rủi ro thiên tai vẫn chưa dừng lại. Ngày 17-8, tại huyện Vân Hồ và Mộc Châu (Sơn La) lại xảy ra nhiều trận động đất, mỗi trận chỉ cách nhau vài phút. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, động đất ở khu vực này đếm không xuể, mặc dù chưa gây thiệt hại về người nhưng để lại hậu quả không nhỏ cho nhà cửa, công trình của người dân sở tại, đe dọa an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện.
Thông tin mới nhất là ở ngoài khơi lại vừa xuất hiện một áp thấp nhiệt đới mới, có thể trở thành cơn bão số 4 trên Biển Đông trong năm nay. Có vẻ trong các tháng đầu năm nay ít bão hơn so với mọi năm. Nhưng theo TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, thì đến tháng 10 và 11 sắp tới mới là tâm điểm của mưa lũ, bão. Nhận định còn khoảng 7-9 cơn bão nữa, chủ yếu đổ bộ dồn dập vào miền Trung và miền Nam (là khu vực rất dễ bị tổn thương nặng nề khi có lũ, bão). Và từ nay đến cuối năm, do ảnh hưởng của trạng thái La Nina đang rõ rệt hơn nên ở Việt Nam sẽ còn xuất hiện nhiều loại hình thiên tai dị thường, khốc liệt nữa.
Trong các tháng tới, sông Mê Công sẽ ít nước hơn, lũ về ĐBSCL kém hơn, muộn hơn mọi năm. Điều này đồng nghĩa sản xuất lúa gặp khó khăn; khu vực các cửa sông Nam bộ sẽ bị xâm mặn nặng nề hơn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất lại tái diễn. Tại TPHCM, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh… được dự báo có 4 đợt triều cường xuất hiện trong các tháng 9, 10, 11 và 12; báo động nguy cơ ngập lụt và sạt lở. Mưa trái mùa tại Nam bộ sắp tới cũng rất phức tạp, kéo theo điều kiện thời tiết không thuận lợi, dễ nảy sinh các loại dịch bệnh. Còn ở miền Bắc, mùa đông sắp tới, nhiệt độ rất thấp, rét đậm rét hại đến sớm.
Ứng phó với mưa lũ, bão, động đất, hạn hán, xâm nhập mặn… không còn là vấn đề mới, chúng ta cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, năm nay có đặc thù là cùng với thiên tai dị thường tăng cường tần suất thì dịch Covid-19 lại đang bùng phát trở lại ở Việt Nam cũng như thế giới với mức độ rất phức tạp, khó kiểm soát. Nền kinh tế và đời sống xã hội đang bị ảnh hưởng rất nhiều bởi loại dịch nguy hiểm này. Vì thế, nếu để cộng hưởng với thiên tai, hỏa hoạn thì thiệt hại sẽ rất lớn. Tệ hơn, thiên tai song hành dịch bệnh sẽ càng gia tăng gánh nặng, khó khăn cho công tác phòng chống dịch; virus lây lan, phát triển càng nhanh. Do đó, mục tiêu cần đặt ra hiện nay là phải khẩn trương kiểm soát, dập tắt dịch bệnh trong các tháng tới, trước khi mùa mưa lũ, bão thực sự hoành hành, xuất hiện dồn dập.
Có lẽ, ngay từ bây giờ, Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương phải có kịch bản ứng phó cho nền kinh tế cũng như xã hội nếu trong các tháng tới thiên tai và dịch bệnh “song kiếm hợp bích”. Thí dụ, tổ chức sơ tán, cách ly, chữa trị cho những bệnh nhân bị nhiễm, các ca nghi nhiễm ra sao nếu xảy ra lũ lụt? Đảm bảo dự trữ nguồn cung, sản xuất hàng hóa thiết yếu, vận chuyển, bình ổn giá cả thế nào tại những khu vực, địa phương xảy ra mưa bão, ngập lụt, dịch bệnh…
Và trong trường hợp dịch Covid-19 đã được kiểm soát thì chuẩn bị một kịch bản phòng chống, ứng phó với thiên tai ngày càng cực đoan, dị thường cũng sẽ không thừa trong bối cảnh biến đổi khí hậu rất rõ rệt, nhân tai đè lên thiên tai. Cùng với từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư công trình, trang bị phương tiện ứng phó thì điều khó khăn nhất hiện nay là làm cách nào nâng cao nhận thức và cả ý thức “biết sợ” cho nhiều người dân trước những rủi ro mà thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Phân tích thực tế tình hình thiên tai nhiều năm gần đây cho thấy, thiệt hại về sinh mạng và tài sản chủ yếu là do tâm lý thờ ơ, chủ quan. Đành rằng hiểm họa không báo trước, nhưng trên biển, hiện nay thiệt hại giảm thiểu đáng kể do tàu thuyền ra khơi được quản lý tốt. Nhưng trên đất liền, giờ đây chỉ cần một trận mưa lớn chuyển mùa là cũng có vài sinh mạng bị cướp đi, do cố tình đi qua suối đang có lũ, chủ quan làm nhà, lều lán ở nơi có nguy cơ sạt lở. Do đó, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, cơ quan chức năng phải đổi mới cách truyền thông, nâng cao ý thức cho nhiều người dân để cùng phối hợp ứng phó, phòng chống thiên tai, hiểm họa, dịch bệnh một cách hiệu quả.