Chữ ký số trong môi trường điện tử hiện có giá trị như một chữ ký bình thường trong các giấy tờ, văn bản. Hiện tại, có 5 đơn vị: VNPT, Viettel, Bkis, Nacencomm và FPT cung cấp dịch vụ chữ ký số cho doanh nghiệp. Còn phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị có Trung tâm Chứng thực chữ ký số chuyên dùng thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ…
Công nghệ hiện đại
“Việt Nam sẽ có 350.000 doanh nghiệp sử dụng chữ ký số khi kê khai thuế qua mạng và dịch vụ công”, là mục tiêu của Bộ Tài chính đến năm 2012. Nhằm hỗ trợ kế hoạch mở rộng kê khai thuế qua mạng, đầu tháng 10, Công ty An ninh mạng Bkav đã cung cấp chữ ký số cho 14 cục thuế trên toàn quốc…
Tuy nhiên, thực tế triển khai thí điểm kê khai thuế qua mạng đã bộc lộ một số khó khăn. Chẳng hạn về tính phân cấp trách nhiệm trong nội bộ doanh nghiệp khi lập một tờ khai thuế sử dụng chữ ký số. Theo cách kê khai thuế trực tiếp bằng văn bản giấy, thường mỗi bản kê khai phải có chữ ký của kế toán trưởng (ký nháy), rồi mới đến chữ ký của lãnh đạo doanh nghiệp. Khi sử dụng chữ ký số, việc cả kế toán trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp cùng ký là một khó khăn thường gặp trong quá trình thí điểm.
“Tuy nhiên khó khăn này đã được tháo gỡ ngay bằng giải pháp BkavCA PlugIn, doanh nghiệp có thể ký phân cấp và việc ký số được thực hiện với từng vị trí trách nhiệm như quy trình ký nháy của kế toán trưởng và ký chính thức của lãnh đạo doanh nghiệp” - ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc Bkav Telecom, nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số BkavCA, cho biết.
Còn Công ty CP Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) là doanh nghiệp thứ 5 trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng được Bộ Thông tin – Truyền thông cấp phép, được quyền cung cấp các loại chứng thư số gồm: chứng thư số cho cơ quan, tổ chức, cá nhân giúp người dùng chứng thực trong các giao dịch điện tử như internet banking, chứng khoán trực tuyến, khai báo thuế, hải quan trực tuyến…
Ông Dương Dũng Triều, Tổng Giám đốc FPT IS khẳng định, công ty cung cấp dịch vụ này đang đặt hàng mua phần mềm thương mại chuẩn. Cùng với đó, giải pháp đã được đưa vào cung cấp dịch vụ là FPT-CA được các chuyên gia của FPT IS thiết kế hoàn thiện dựa trên hình hạ tầng khóa công khai (Public key infrastructure – PKI). Đây là hệ thống hiện đại, có tính mở cao, có khả năng cấp phát, xử lý hàng triệu chứng thư số.
Trước đó, vào giữa tháng 9-2010, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc triển khai áp dụng chữ ký số cho các giao dịch điện tử trong hoạt động chứng khoán. Ngay sau lễ ký thỏa thuận hợp tác, SSC và VNPT đã trao chứng thực chữ ký số cho 20 doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán…
Hướng đi căn bản
>> Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, sự ra đời của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình xây dựng khung pháp luật cho giao dịch điện tử. Tiếp sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số và các nghị định có liên quan về giao dịch điện tử trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, thương mại. Để chữ ký số phát triển cần đẩy mạnh tuyên truyền và đầu tư mạnh mẽ của các cơ quan nhà nước. Song song đó là tiếp tục lắng nghe ý kiến của các nhà cung cấp chữ ký số để hoàn thiện hành lang pháp lý. |
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Trung tâm Chứng thực chữ ký số chuyên dùng thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, hiện trung tâm đã triển khai hàng ngàn chứng thư số và phần mềm phục vụ ký xác thực trên hệ thống thư điện tử cho các cơ quan của Đảng, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Riêng tại Bộ Tài chính, đã triển khai chứng thư số phục vụ ứng dụng báo cáo thanh tra và chứng thư số phục vụ ứng dụng quản lý công sản…
Trung tâm được thành lập năm 2007, là tổ chức duy nhất cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Trung tâm này tổ chức, quản lý duy trì và bảo đảm hoạt động của hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị được an toàn, liên tục 24/7; tư vấn cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số các cơ quan Đảng và Nhà nước; phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để tích hợp chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số vào các ứng dụng CNTT.
Trung tâm còn có nhiệm vụ đảm bảo tính xác thực của các hệ thống trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước (chứng thư số cho web Server); đảm bảo chứng thư số cho các hệ thống dịch vụ mạng và bảo mật của Nhà nước (chứng thư số cho mail Sever, VPN Server)…
Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý, triển khai hệ thống chứng thực số trong các cơ quan nhà nước là nhu cầu đảm bảo an toàn cho các giao dịch trên mạng. Để triển khai, các cơ quan nhà nước phải có bộ phận chuyên trách về CNTT có khả năng hỗ trợ người dùng cuối; có hệ thống mạng nội bộ kết nối với mạng số liệu chuyên dùng các cơ quan của Đảng, Nhà nước.
Thị trường chữ ký số đã hình thành hướng đi căn bản. Hướng đi phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị đã được xác định là Trung tâm Chứng thực chữ ký số chuyên dùng thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ. Còn lại, khối cung cấp các dịch vụ chữ ký số cho doanh nghiệp hiện có 5 đơn vị đang đua nhau qua các dịch vụ.
Đáng nói, 5 đơn vị được cấp phép cung cấp chữ ký số này đang ở trong tình trạng mạnh ai nấy làm, nhanh tay thì tìm được đối tác lớn, rất khác nếu so với Hàn Quốc, đã quy định rất rõ từng đơn vị cung cấp chữ ký số trong từng lĩnh vực.
Chính vì thế một nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số khẳng định, sắp đến sẽ có những cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị cung cấp chữ ký số với nhau và khi cạnh tranh đến mức quyết liệt sẽ có những chính sách “phân vùng” từng đơn vị cung cấp chữ ký số.
Bá Tân