Chủ tịch HĐND TPHCM: Không để “người dân hỏi một đằng, chính quyền trả lời một nẻo”

Chiều 18-5, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” năm 2022.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ động viên Ban tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời". Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ động viên Ban tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời". Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM…

Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện chương trình, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TPHCM Đỗ Thị Minh Quân cho biết đến tháng 12-2022, chương trình đã phát sóng được 12 kỳ. Qua 12 số phát sóng, bố cục và kịch bản chương trình có nhiều đổi mới, tăng tính tương tác, đối thoại trực tiếp. Người dân có thể dễ dàng theo dõi, đóng góp ý kiến, đặt câu hỏi thông qua Fanpage HĐND TPHCM và Trung tâm Báo chí TPHCM.

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TPHCM Đỗ Thị Minh Quân báo cáo sơ kết. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TPHCM Đỗ Thị Minh Quân báo cáo sơ kết. Ảnh: VIỆT DŨNG

Năm 2022, chương trình nhận được hàng triệu lượt theo dõi trên kênh HTV9, gần 51.000 lượt xem trên các fanpage, 413 cử tri đã đặt câu hỏi đến chính quyền thành phố. HĐND TPHCM đã tổng hợp 177 kiến nghị cử tri gửi UBND TPHCM và các sở ngành, quận huyện xem xét giải quyết. Đến nay, UBND TPHCM và các đơn vị đã trả lời bằng văn bản 150 câu hỏi, còn 27 câu hỏi đang được xem xét trả lời.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TPHCM nhìn nhận việc thực hiện chương trình còn một số hạn chế. Theo đó, một số đơn vị còn chậm phối hợp, cung cấp thông tin cho HĐND thực hiện chương trình. Một số kỳ phát sóng không có sự tham gia lãnh đạo các địa phương. Ngoài ra, việc giải quyết kiến nghị, trả lời câu hỏi cử tri sau chương trình chưa kịp thời.

Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban KT-NS, HĐND TPHCM góp ý kiến nâng cao chất lượng chương trình. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban KT-NS, HĐND TPHCM góp ý kiến nâng cao chất lượng chương trình. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá hơn 1 năm thực hiện, chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” đã trở thành đặc sản của TPHCM, được người dân quan tâm theo dõi. HĐND TPHCM luôn trăn trở làm sao nâng cao chất lượng của chương trình, để đây là một kênh tương tác hiệu quả của người dân và chính quyền thành phố.

Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị ban tổ chức tiếp tục đổi mới nội dung vừa thời sự vừa hấp dẫn. Chủ đề của chương trình phải sát với tâm tư, nguyện vọng của người dân và thực tiễn dư luận xã hội quan tâm. Trong một chương trình không nên đưa ra quá nhiều nội dung mà tập trung giải quyết dứt điểm các nhóm vấn đề cử tri bức xúc. Đồng thời, chính quyền TPHCM phải nâng cao chất lượng trả lời ý kiến cử tri, không để tình trạng “người dân hỏi một đằng, chính quyền trả lời một nẻo”.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” cũng là một kênh để cử tri giám sát HĐND, UBND các cấp. Qua chương trình, các cơ quan chức năng sẽ thấy được thực tiễn quá trình thực thi chính sách pháp luật, thấy được bức xúc của người dân, từ đó nhìn nhận được vai trò trách nhiệm trong việc thực thi công vụ. Chương trình còn góp phần xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM.

Để phát huy những kết quả đạt được, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TPHCM tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ tích cực cho HĐND TPHCM thực hiện chương trình. Trong đó, lãnh đạo Thường trực UBND TPHCM, người đứng đầu các sở ngành, quận huyện cần góp mặt trong chương trình để trực tiếp tháo gỡ những khó khăn cho người dân.

Đồng thời, phải nâng cao chất lượng trả lời kiến nghị cử tri sau chương trình, các văn bản trả lời phải “đúng và trúng” vấn để cử tri nêu ra, giải quyết được khó khăn cho người dân, không né tránh tránh nhiệm. Với những vấn đề chậm giải quyết phải có hình thức xin lỗi người dân và đưa ra giải pháp khắc phục.

Tin cùng chuyên mục