(SGGP).- Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Nhà nước (Thượng viện) Liên bang Thụy Sĩ do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ivo Bischofberger dẫn đầu, thăm chính thức Việt Nam từ ngày 28 đến 31-3.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ Ivo Bischofberger
Ngày 29-3, sau lễ đón chính thức tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội hai nước đã tiến hành hội đàm. Tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Thụy Sĩ là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Âu; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2015. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn Thụy Sĩ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực: tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, du lịch, nhà hàng - khách sạn; đồng thời khẳng định, Việt Nam coi trọng và quan tâm đến lợi ích của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Thụy Sĩ.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ Ivo Bischofberger cho biết, chuyến thăm của đoàn nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các cơ quan lập pháp hai nước, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Thụy Sĩ và Việt Nam. Nhấn mạnh các doanh nghiệp Thụy Sĩ rất quan tâm tới đầu tư tại Việt Nam, Chủ tịch Ivo Bischofberger mong muốn Việt Nam tạo môi trường đầu tư kinh doanh, khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ kinh doanh tại Việt Nam.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch Ivo Bischofberger dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ đã tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Khu di tích Nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch. Chiều 29-3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì tiệc chiêu đãi Chủ tịch Ivo Bischofberger và Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ.
° Chiều cùng ngày, tiếp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ Ivo Bischofberger, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Việt Nam và Thụy Sĩ có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp với bề dày lịch sử gần nửa thế kỷ qua. Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Thụy Sĩ ủng hộ việc các bên tiếp tục đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA), hướng đến một hiệp định cân bằng, tiêu chuẩn cao, có tính đến lợi ích của nhau và trình độ phát triển giữa Việt Nam và các nước thành viên EFTA theo đúng nguyên tắc và định hướng mà hai bên đạt được trước khi đàm phán. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Nhà nước Việt Nam mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, du lịch…
BẢO MINH