Từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn hơn 2 tháng nữa. Đến thời điểm hiện tại, người tiêu dùng đều phấn khởi vì giá cả các mặt hàng thực phẩm trong cả nước đều tương đối ổn định, nguồn cung cũng dồi dào nhưng mối lo lớn nhất là nguy cơ dịch bệnh, nguồn hàng kém chất lượng, hàng giả, nhập lậu, quá hạn sử dụng và mất an toàn vệ sinh thực phẩm thường được tung ra thị trường và trở thành thực trạng “nóng” vào dịp cuối năm, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động chăn nuôi cung ứng thực phẩm vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, chỉ còn không bao lâu là kết thúc năm 2014 nhưng đây là năm thứ hai chúng ta không có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra, hiện nay nông dân ở nhiều nơi đều vui mừng vì chăn nuôi được mùa, tăng trưởng chăn nuôi năm 2014 tăng 4% - 5%, người tiêu dùng và người nội trợ cũng yên tâm hơn vì không có dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, cả Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế đều cho rằng điều đó không có nghĩa dịch bệnh đã chấm dứt hoặc bị đẩy lùi mà nguy cơ tái phát luôn tiềm ẩn và rình rập, có thể bùng phát trở lại vào bất cứ lúc nào nếu chúng ta chủ quan lơ là việc phòng tránh.
Nhưng ngay cả trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát thì đáng lo hơn lại là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả hàng nhái, kém chất lượng thường bủa vây người tiêu dùng vào dịp cuối năm. Đây là những nguy cơ đe dọa không phải từ môi trường khách quan mà sinh ra từ chính sự vô tâm cẩu thả hoặc cố tình làm ăn gian lận của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Để chủ động quản lý, không để thực phẩm “bẩn” tràn ra thị trường vào dịp lễ tết, ngay từ bây giờ các cơ quan có trách nhiệm phải tổ chức các đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm như thịt, thủy sản tươi sống, trái cây, rau xanh và các mặt hàng tạp phẩm có nhu cầu cao vào cuối năm. Đồng thời cần tổ chức đầu mối tiếp nhận nhanh thông tin từ người tiêu dùng về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm để xử lý ngay khi có vi phạm.
Hiện nay, về cơ bản việc quản lý các sản phẩm thực phẩm có liên quan tới cây trồng, vật nuôi đã được giao cho Bộ NN-PTNT quản lý. Và đây cũng chính là những sản phẩm dễ gây mất an toàn vệ sinh nhất. Những năm gần đây, giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế đều có sự kết nối, phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, thanh tra, rà soát tình hình sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm các loại - đặc biệt là thực phẩm tươi sống. Trong đó, trực tiếp các bộ trưởng đã tổ chức đoàn liên ngành đi kiểm tra tại các chợ đầu mối, chợ lớn ở các địa bàn trọng điểm về mất an toàn thực phẩm. Điều này đã khích lệ người dân có ý thức hơn trong việc hướng tới các sản phẩm thực phẩm sạch, sản xuất và kinh doanh có đạo đức và trách nhiệm. Tuy nhiên, cùng với việc đôn đốc kiểm tra thì cũng cần phải xử lý thật nghiêm các cơ sở vi phạm, áp dụng và đề xuất các mức phạt nặng mới đủ sức răn đe những trường hợp cố tình gian dối, sản xuất và kinh doanh thực phẩm “bẩn” vô tình đầu độc người tiêu dùng, nhất là trong các dịp cuối năm khi nhu cầu thực phẩm luôn tăng đột biến.
Cùng với việc quản lý chặt nguồn cung thực phẩm, mới đây đại diện Cục Thú y thuộc Bộ NN-PTNT cho biết, cơ quan này đang triển khai dự án xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm tại 7 địa bàn trọng điểm ở phía Bắc và phía Nam, gồm: Nam Định, Thái Bình, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước nhằm tạo ra những sản phẩm thịt sạch để cung ứng cho hai đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM, đồng thời dành để xuất khẩu. Đây là một bước để chủ động nguồn thực phẩm sạch cho thị trường, buộc các địa phương khác phải chuyển hướng để phù hợp với nhu cầu của thị trường và xuất khẩu.
VĂN PHÚC HẬU