Cục Thú y khuyến cáo, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng. Bởi virus dịch tả heo có khả năng chịu được nhiệt độ, nhất là trong các sản phẩm thịt heo sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên virus có thể tồn tại được trong thời gian từ 3 đến 6 tháng; virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong khoảng 70 phút hoặc 60°C trong 20 phút. Người chăn nuôi và chính quyền địa phương các cấp khi phát hiện heo bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, bị chết cần báo ngay cho thú y xã, cơ quan thú y nơi gần nhất. Việc giấu dịch, giữ heo bệnh để tự điều trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát, khó khống chế và kiểm soát dịch.
Về thông tin dịch tả heo châu Phi đã phát hiện tại Trung Quốc, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Bộ NN-PTNT, cho rằng, không nên quá lo ngại nhưng phải tăng cường các biện pháp phòng chống vì ngành chăn nuôi heo đang khởi sắc, lại chiếm tỷ trọng cao, chỉ cần có biến cố là ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
Mặc dù dịch tả heo châu Phi hiện tại vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị nên heo chết với tỷ lệ rất cao, nhưng theo ông Nguyễn Xuân Dương, rất may dịch này không gây bệnh trên người. Tuy nhiên người chăn nuôi, các doanh nghiệp, hợp tác xã xác định công tác phòng chống dịch rất quan trọng, không được lơ là; chăm sóc tốt đàn heo để có sức đề kháng; hạn chế khách tham quan cơ sở chăn nuôi; áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.
Theo Tổ chức Thú y thế giới, từ cuối năm 2017 đến ngày 10-9 đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp giáp giữa châu Âu và châu Á ghi nhận dịch tả heo châu Phi, với tổng số hơn 500.000 con heo phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, từ đầu tháng 8 đến nay đã ghi nhận 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh với tổng số hơn 38.000 con heo mắc bệnh phải tiêu hủy.
* Ngày 10-9, ông Kha Văn Ót, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết trên địa bàn huyện vừa xảy ra dịch tụ huyết trùng khiến 43 con trâu, bò bị chết.
Dịch bắt đầu xuất hiện ngày 4-9 và bùng phát tại địa bàn 4 bản Đình Tài, Chà Hìa, bản Chon và bản Phẩy (xã Xiêng My), sau đó lan sang xã Yên Thắng khiến 11 con bò và 32 con trâu bị chết do nhiễm bệnh. Ngay khi phát hiện dịch, UBND huyện Tương Dương đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y, Phòng Nông nghiệp khẩn trương khoanh vùng, khống chế ổ dịch. Theo ông Ót, việc khoanh vùng, dập dịch tại địa bàn huyện miền núi rất khó khăn, vì bà con chăn thả trâu, bò tự do trong rừng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại dịch đã được kiểm soát, không lây lan ra diện rộng.