Dường như các dự báo về giá vàng sau thời điểm 30-6 đã bị thị trường “qua mặt”, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp tổ chức thêm các phiên đấu thầu với khối lượng lớn, giá vàng trong nước vẫn đi ngược chiều với giá thế giới. Từ ngày 1-7 đến nay, NHNN đã tổ chức thêm 4 phiên đấu thầu với khối lượng chào bán lên tới 160.000 lượng vàng (tương đương trên 6,1 tấn) và thị trường vẫn vét sạch gần hết số vàng đó, chỉ dư bán đúng 100 lượng.
Nhu cầu vàng trong nước vẫn còn rất cao. Câu hỏi đặt ra là nhu cầu này nằm ở đâu? Trước thời điểm 30-6, lãnh đạo NHNN cho biết các tổ chức tín dụng đã được đáp ứng gần đủ nhu cầu vàng để tất toán trạng thái huy động trước đó. Vậy các đơn vị tham gia đấu thầu tiếp tục tranh nhau mua vàng để làm gì, thậm chí với mức giá khá cao? Trong khi đó các công ty kinh doanh vàng cho biết nhu cầu mua vàng của người dân không tăng. Như vậy, nhu cầu vàng trên thị trường chủ yếu là ở các doanh nghiệp kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng.
Có 2 khả năng đặt ra: thứ nhất là các tổ chức tín dụng vẫn chưa đủ vàng để tất toán trạng thái theo đúng yêu cầu của NHNN nên tiếp tục phải mua vào; thứ hai là đầu tư vào vàng vẫn đang là một cơ hội. Mặc dù NHNN khẳng định sẽ không có một tổ chức nào có thể cạnh tranh với NHNN trên thị trường vàng trong nước, nhưng không thể loại trừ khả năng có những tổ chức lợi dụng chính sách quản lý của Nhà nước để kiếm lời. Theo dõi các phiên đấu thầu vừa qua có thể thấy một tình trạng, đó là trước các phiên đấu thầu, doanh nghiệp kinh doanh vàng bao giờ cũng hạ giá giao dịch trên thị trường xuống nhằm hạ giá thầu. Và sau hầu hết các phiên đấu thầu, giá vàng trong nước lại tăng lên đáng kể. Ngoài ra còn có một giả thiết rằng ngoài nhu cầu vàng để tất toán trạng thái, liệu có hay không một loại “trạng thái” khác cần phải bù đắp là vàng giữ hộ? Giả thiết là thời gian qua có tổ chức tín dụng nào đó “lỡ đụng chạm” đến lượng vàng giữ hộ, làm hao hụt đi, nay phải nhanh chóng mua để bù vào khi có yêu cầu tạm ngừng hoạt động này.
Trong 41 phiên đấu thầu vừa qua, NHNN đã bán ra trên 43 tấn vàng, nếu quy đổi với giá vàng thế giới nghĩa là cơ quan quản lý đã phải chi ra xấp xỉ 2,5 tỷ USD nhập vàng về để bán. Có thể một số đơn vị kinh doanh vàng nhận định khả năng tiếp tục “bơm” vàng ra thị trường của NHNN trong thời gian tới sẽ rất khó khăn, bởi nếu tiếp tục nhập vàng về sẽ ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối quốc gia. Do vậy, cần tranh thủ mua vàng khi còn cơ hội. Ở khả năng này, sẽ có nhiều người băn khoăn vì hiện giá vàng trong nước và giá vàng đấu thầu vẫn cao hơn giá thế giới 5-6 triệu đồng/lượng, mua vàng lúc này sẽ là rủi ro khi chênh lệch giá được kéo giảm. Nhưng sẽ dễ hiểu với tính toán rằng trong thời gian tới, NHNN không đủ nguồn lực vàng để tiếp tục cung ứng ra thị trường. Khi đó, xem ra việc rút ngắn chênh lệch giá của 2 thị trường vàng trong nước và thế giới vẫn là một chặng đường dài.
Mục tiêu quan trọng nhất của Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng là bình ổn thị trường vàng, và thời điểm 30-6 được kỳ vọng là dấu mốc quan trọng để thấy được sự chuyển biến. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trên thị trường, có thể thấy rằng cơ quan quản lý vẫn còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh yêu cầu liên thông giá vàng thế giới, mục tiêu huy động nguồn lực vàng trong dân cũng là một vấn đề đặt ra trong thời gian tới. Trước mắt, dư luận đang chờ đợi xem thời gian tới NHNN sẽ làm gì để đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới. Nếu không thực hiện được điều này, sẽ rất khó thuyết phục rằng các chính sách đang thực hiện là đúng hướng.
BẢO MINH