Trong bối cảnh nhiều nước, nhất là Trung Quốc - vốn được coi là công xưởng lớn nhất của thế giới - từ đầu năm đến nay đã kiên quyết nói không với 24 loại phế liệu tái chế và phế liệu rắn, tình trạng phế liệu tràn vào nước ta (trong đó có một lượng không nhỏ rác thải độc hại cấm nhập) đã trở thành hiện thực chứ không chỉ còn là nguy cơ. Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường - TN-MT), tổng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng 2 lần so với năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy, xỉ hạt nhỏ tăng 2-3 lần… Cần nói thêm rằng ngoài con số thống kê chính thức này, còn có một lượng không nhỏ rác thải bị tuồn vào Việt Nam theo đường buôn bán ngầm phế liệu qua các cửa khẩu, lối mòn, rỉ rách “chảy” vào các làng nghề.
Và quả thực, áp lực của nhiệm vụ ngăn chặn nguy cơ nhập khẩu ô nhiễm là quá lớn nếu chỉ đặt lên vai ngành hải quan, chưa muốn nói là bất khả thi.
Tại một cuộc họp liên ngành được tổ chức trước đó ít ngày do Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà chủ trì, đại diện Bộ Công thương nêu quan điểm chưa thể cấm hoàn toàn việc nhập phế liệu nhưng phải có chiến lược sử dụng, căn cứ vào 3 tiêu chí: tính cấp thiết của việc nhập phế liệu trong mối tương quan với khả năng gây ô nhiễm môi trường; khả năng đáp ứng của nguồn phế liệu trong nước; và điều kiện về công nghệ xử lý để đảm bảo an toàn về môi trường. Bộ Công thương cũng kiến nghị, Bộ TN-MT ấn định tổng lượng phế liệu được phép nhập khẩu trong 5 năm; nếu vượt quá số lượng thì không cho phép…
Dễ thấy là chỉ riêng việc xây dựng được bộ tiêu chí kể trên đã cần tới sự vào cuộc của ít nhất 3 bộ: Công thương, TN-MT, Khoa học và Công nghệ, chưa kể đến vai trò của cơ quan thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Việc ấn định quota nhập khẩu phế liệu trong 5 năm cũng không dễ dàng gì, nếu không muốn chỉ mang tính hình thức, hoặc lại gây thêm khó khăn, cản trở, phức tạp hóa môi trường kinh doanh.
Nhấn mạnh thực tế nhiều nước đã thay đổi chính sách không nhập khẩu phế liệu, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam cũng đã có cơ chế chính sách phòng ngừa việc nhập khẩu phế liệu từ xa và bộ cũng đang xây dựng lộ trình dừng hẳn nhập khẩu một số loại phế liệu như xỉ tro bay; bao bì tái sinh; các loại sản phẩm không thể đánh giá bằng trực quan của người kiểm tra mà phải thông qua phòng thí nghiệm… Tuy nhiên, bản thân người đứng đầu ngành TN-MT cũng cho rằng “vấn đề nhập khẩu phế liệu không chỉ riêng Bộ TN-MT và các địa phương có thể làm được”, bởi còn liên quan đến chính sách thương mại, phòng chống tội phạm… Thậm chí, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu.
Ở khía cạnh phòng chống tội phạm, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về chế tài xử phạt đối với trường hợp chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền khi không thực hiện vận chuyển hàng hóa gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Điều 58 Luật Hải quan năm 2014. Có như vậy mới xử lý được tình trạng chây ỳ, “bỏ của chạy lấy người”, hoặc khinh nhờn pháp luật (vì vi phạm nhiều lần nhưng chỉ bị xử lý hành chính). Bên cạnh đó, cần định hướng chính sách để các ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp dần tiến tới chủ động về nguyên liệu, không phụ thuộc vào nguồn phế liệu nhập khẩu, tránh biến nước ta trở thành địa điểm tập kết rác thải của thế giới và khu vực.
Cuối cùng, hẳn nhiều người đã biết, Ngày Môi trường thế giới năm 2018 - sự kiện thường niên lớn nhất về bảo vệ môi trường - đã lựa chọn chủ đề ngăn chặn ô nhiễm chất thải nhựa. Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, mỗi năm nhân loại thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần. Khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới, đang trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội. Vậy mà chỉ trong 5 tháng đầu năm, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu vào nước ta lại tăng đột biến tới 2 lần so với cả năm 2017.
Nếu không chung tay, liệu Việt Nam có muốn trở thành một “điển hình đi ngược” hay không?