LTS: Nhiều bạn đọc cho rằng cần xây dựng các quy tắc sống, quy tắc ứng xử trong cộng đồng. Cần vạch ra các mô hình nếp sống văn minh cho từng khu dân cư, cho từng tuyến đường, các nhóm hộ gia đình… Để thực hiện được điều đó, rất cần sự kết hợp giữa công tác quản lý của chính quyền và ý thức sống văn minh của người dân.
- Cuộc vận động phải hiệu quả, thực chất
Hiện nay, hầu hết các đô thị trên cả nước, trong đó có TPHCM, đều triển khai những cuộc vận động người dân chung tay xây dựng đô thị văn minh, khu dân cư văn hóa… Bước đầu, những cuộc vận động này đã mang lại những hiệu quả nhất định, nhiều tín hiệu vui. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, những cuộc vận động này đang được thực hiện mang nặng tính hình thức. Nhiều phường, quận báo cáo tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 80%-90% nhưng ngay tại địa phương đó, vẫn xảy ra tình trạng trộm cắp, xả rác bừa bãi, tổ chức cưới hỏi, ma chay phung phí… Vì vậy, vấn đề được đặt ra là cần đưa những cuộc vận động này đi vào đời sống với những chuyển biến tích cực và thực chất hơn.
Theo tôi, việc tuyên truyền, vận động không nên dừng lại ở các hội thảo, hội nghị chuyên đề mà phải đưa vào đời sống của người dân. Cần phải vạch ra các mô hình nếp sống văn minh cho từng khu dân cư, cho từng tuyến đường, các nhóm gia đình… với những tiêu chuẩn, điều kiện và cách thực hiện khác nhau. Tôi rất tâm đắc với một phát biểu của một vị đại biểu HĐND TPHCM về vấn đề này: “Xây dựng văn minh đô thị là vấn đề kỹ thuật quản lý chứ không phải làm theo phong trào. Một đô thị văn minh là nơi đó con người biết bảo vệ, chăm lo môi trường sống, có ý thức cao vì cộng đồng, cùng bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp”.
Hay nói một cách đơn giản là mỗi người bằng những hành động rất nhỏ của mình như để rác đúng nơi quy định, tham gia giao thông đúng luật, giữ gìn trật tự nơi sinh sống… là góp phần xây dựng đô thị văn minh. Từ đó có thể thấy rằng việc xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại cần sự kết hợp giữa công tác quản lý của chính quyền và ý thức sống văn minh của người dân.
Do đó, những cuộc vận động người dân xây dựng đô thị văn minh, hiện đại đòi hỏi có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của chính quyền địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể của Ủy ban MTTQ và ý thức từ mỗi người dân. Việc đánh giá những việc làm trên cần được công khai, cụ thể và thực chất. Chúng ta cần những con số thực sự để mỗi năm thêm tiến bộ hơn là những báo cáo rất “đẹp” nhưng không thực chất.
Lê Tùng (KP.1, P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức, TPHCM)
- Cần nâng chất các quy ước cộng đồng
Văn hóa làng xã xưa vốn tồn tại lâu dài và có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân nông thôn một phần là thông qua các hương ước. Trong điều kiện pháp luật còn chưa chặt chẽ (thậm chí “phép vua thua lệ làng”) thì các hương ước đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn sự ổn định và phát triển của làng xã, đồng thời là yếu tố then chốt để tăng tính gắn kết cộng đồng.
Học tập cha ông về xây dựng các quy tắc sống, quy tắc ứng xử trong cộng đồng, gần đây, trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nội dung quy ước cũng đã được đưa ra dân bàn bạc, thảo luận và tổ chức thực hiện. Trong Hướng dẫn số 32/HD-MTTW ngày 28-8-2006 của Ủy ban MTTQ Việt Nam về tiêu chuẩn, bình xét, công nhận danh hiệu “Khu dân cư tiên tiến” trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cũng đã nêu nội dung liên quan đến xây dựng quy ước, hương ước của cộng đồng khu dân cư. Hầu hết các quy ước là sự cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, khu phố/ấp văn hóa. Trong điều kiện của TPHCM, thực chất các quy ước cũng nhằm xây dựng đô thị văn hóa, văn minh, tiến bộ.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc hiểu và thực hiện các quy ước của người dân ít nhiều còn hạn chế. Ở nhiều địa phương, việc xây dựng các quy ước chưa thực sự phát huy sáng kiến của đại bộ phận người dân trên địa bàn; khi quy ước được ban hành, có nơi phát đến từng nhà một bản in, nhưng cũng có nơi chỉ dán nơi công cộng nên ít người chú ý. Thành ra, cộng đồng có quy ước nhưng không mấy ai hiểu đầy đủ, từ đó cũng ít quan tâm thực hiện. Thêm vào đó, quy ước chỉ có tính gợi ý, nhắc nhở chứ không có tính quy phạm, bắt buộc, nên người thực hiện cũng chưa hẳn được biểu dương, còn người vi phạm cũng lắm khi không bị phê bình, xử phạt. Như vậy, bản thân quy ước như lâu nay tồn tại đã trở nên hình thức và không phát huy nhiều tác dụng.
Chính vì vậy, cần nâng chất các quy ước cộng đồng, vừa nhằm thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn vừa gắn với thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Các quy ước phải là những quy định thiết thân, gần gũi với đời sống của người dân, như vấn đề vệ sinh môi trường, sức khỏe… Các quy ước phải nêu rõ quyền (quyền lợi) và trách nhiệm (nghĩa vụ) của mỗi thành viên trong cộng đồng, chẳng hạn quyền được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, công trình phục vụ thực hiện nếp sống văn minh đô thị, có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm, có nghĩa vụ tham gia giữ gìn cảnh quan, môi trường sống… Các quy ước cũng cần gắn với các biện pháp biểu dương, chế tài cụ thể (căn cứ theo quy định pháp luật).
Tóm lại, quy ước là những quy tắc mang tính tự nguyện nhưng để mọi người tuân theo thì cần thực chất, thiết thực với đời sống của người dân. Quy ước phải góp phần xây dựng tình làng nghĩa xóm, gắn bó, đoàn kết với nhau. Trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, quy ước phải có tác dụng động viên mọi người cùng chung tay thực hiện, từ từng hành vi nhỏ.
Trúc Giang (quận 3)