Chưa bao giờ cái “chung” và cái “riêng” lại xung khắc dữ dội như thời phổ cập Internet hiện tại. Những tưởng đường truyền không dây tốc độ cao với các tiện ích của thế giới ảo sẽ kéo cá nhân gần với cộng đồng, sẽ mài phẳng những góc nhọn của cái “tôi” vì lợi ích của “chúng ta”, sẽ hòa hợp những giá trị sống riêng trong tổng thể chung của sự phát triển đi lên, song rất tiếc, mọi chuyện lại xảy đến… không thật như cuộc sống thật.
Minh chứng cho chuyện này là sự ồn ào, phức tạp, trái ngược quan điểm trong vấn đề quản lý trò chơi trực tuyến (game online - GO). Về cái “riêng” thì cũng dễ thấy các doanh nghiệp sản xuất và phân phối GO có lập luận khá vững khi cho rằng GO của họ không làm trái những quy định pháp luật. Từ ngày đầu tiên xuất hiện trên thương trường nước ta cách đây 7 năm đến nay, tất cả các GO đều qua các khâu thẩm định và được cấp phép lưu hành.
Và tất nhiên miếng bánh doanh thu được định giá khoảng trên 70 triệu USD đã được chia đều cho tất cả từ doanh nghiệp đến ngân sách nhà nước và không loại trừ cả… một thiểu số người được phép “tiếp cận” GO. Theo thiển nghĩ, có chăng lỗi “vận hành” thì chung quy cũng bởi sự lỏng lẻo, thiếu tầm nhìn, thiếu quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước.
Giống như trái banh được bơm, khi đến ngưỡng 8 triệu người chơi game, chiếm 1/10 dân số cả nước, dư luận và các cơ quan chức năng mới giật mình… không khéo nó nổ vỡ, làm sứt mẻ rường cột gia đình và kéo theo nhiều hệ lụy khác như tội phạm, bạo lực học đường…
Câu hỏi đặt ra là tại sao sống trong thế giới “ảo” cả một thời gian dài mà đến giờ chúng ta vẫn chưa có một bộ quy chuẩn quản lý phù hợp cả cho lợi ích doanh nghiệp lẫn lợi ích cộng đồng? Và tại sao điều khoản “riêng” mà các doanh nghiệp GO thường “quên” khi đăng đàn diễn thuyết là khả năng nội địa hóa các GO và tạo GO thuần Việt vẫn chỉ là lời hứa… cho tương lai?
Cũng chính từ sự phổ cập thái quá của GO với những ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, chính quyền hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và TPHCM cực chẳng đã buộc phải kiến nghị và đề xuất Chính phủ hàng loạt những biện pháp mạnh nhằm hạn chế GO và khống chế “cơn nghiện game” có nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh xã hội. Tất nhiên các giải pháp tạm thời như cắt Internet sau 23 giờ, cấp “quota” giờ chơi ở mức tối thiểu nhất, đòi hỏi có giấy tờ chứng nhận người chơi ở độ tuổi “chín chắn”… cũng xuất phát từ yêu cầu “chung” và không để cái “riêng” đè nát cái “chung” là sự lành mạnh của đời sống xã hội. Nhưng rõ ràng đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời, mới giải quyết được phần ngọn chứ chưa phải gốc của vấn đề.
Các nhà cung cấp dịch vụ GO rên siết rằng về mặt kỹ thuật đó là chuyện bất khả thi vì làm sao mà cấm… được sự hiện hữu của Internet và càng hạn chế thì càng dẫn nhanh tới sự cáo chung của một lĩnh vực trong ngành công nghiệp nội dung số non trẻ. Có thể những ý kiến này cũng đáng để cơ quan quản lý lưu tâm khi hoạch định những chính sách dung hòa được lợi ích “chung” và “riêng”. Song về cơ bản việc hạn chế sự phát triển của GO, nhất là những GO đi ngược thuần phong mỹ tục dân tộc là việc làm cần thiết, tất nhiên cần cân nhắc kỹ những khả năng và hệ quả có thể xảy ra.
Và dù có nói gì chúng ta cũng hết sức thận trọng khi tiếp cận GO, nhất là trong quản lý mạng ở thời điểm hội nhập “thế giới phẳng”. Thực tế cuộc sống chỉ rõ chúng ta phải linh hoạt trong giải quyết vấn đề và nhất quán với phương châm chủ trương một nhưng giải pháp mười. Rõ ràng căn cơ nhất vẫn là tạo dựng những sân chơi lành mạnh thay thế những trò chơi cảm giác mạnh và dễ “nghiện” như GO. Đó là yêu cầu cấp thiết đặt ra trước các cơ quan quản lý và hệ thống gia đình - nhà trường - xã hội… Nhưng làm sao tích hợp được “riêng” trong “chung” và “chung” giúp phát triển “riêng” thì vẫn là câu hỏi cần có sự đồng thuận chung.
Bích An