Chuyện của đất nước mình...

Vịt kêu đồng có lẽ là bộ phim ngắn nhất trong dòng phim truyền hình nhiều tập hiện nay, nhưng lại là bộ phim đã để lại ấn tượng lớn trong lòng người xem. Bởi vì dường như đã lâu lắm rồi, khán giả màn ảnh nhỏ mới được cùng thở không khí với các nhân vật trong phim bằng cảm xúc của người trong cuộc.

Vịt kêu đồng, câu chuyện về một nỗi đau xé lòng của những mảnh đời trôi dạt trên những cánh đồng miền Nam, câu chuyện ấy khó thể tìm thấy ở đâu ngoài đất nước mình, một đất nước sống chủ yếu bằng nghề nông, nhưng nông dân vẫn còn nghèo và chịu nhiều bất trắc. Và bất trắc ấy chính là dịch cúm gia cầm đang hoành hành trên những cánh đồng mênh mông. Nó giống như lưỡi hái tử thần đang chực chờ bổ xuống.

Lâu nay báo chí thông tin rất nhiều về dịch cúm, những dòng chữ ngắn gọn về con số gia cầm bị thiêu hủy, về những thiệt hại to lớn của nông dân khi dịch bệnh hoành hành, nhưng chúng ta chưa cảm nhận hết nỗi đau ấy nếu không nhìn thấy cảnh những ngọn lửa bùng lên và những con người ngồi co ro, bất lực khi chứng kiến tài sản gia đình bị thiêu rụi mặc dù chính quyền có chiếu cố, hỗ trợ.

Đó là chuyện của đất nước mình, những câu chuyện thường ngày ta vẫn bắt gặp đâu đó, mà đã khá lâu ta không còn được cái cảm giác ấy khi xem phim, không thấy được dáng hình, suy nghĩ của chính chúng ta trên những bộ phim truyền hình dai dẳng hàng mấy trăm tập khuynh đảo trên màn ảnh nhỏ hiện nay…

Bởi vì lâu nay, đa phần các hãng phim tư nhân vẫn mặn mà với loại kịch bản mua từ nước ngoài vì cho rằng các nhà biên kịch Việt Nam không đủ sức viết kịch bản phim dài tập. Nhưng ai cũng hiểu đó chỉ là cái cớ, vì mua kịch bản, mua phim nhất là những kịch bản phim đã có tiếng, vẫn là cách làm nhanh nhất và an toàn nhất. Nhà sản xuất có thể ngồi ung dung bỏ qua khâu quảng cáo vì chính sự nổi tiếng của những bộ phim nước ngoài đã làm thay việc đó. Hơn nữa làm nhái theo phim đã có thương hiệu thì chắc chắn sẽ thu hút khán giả, vì ai cũng muốn xem để có sự so sánh.

Vấn đề ở đây là sự thu hút người xem để lấy quảng cáo chứ không phải là chất lượng bộ phim. Chất lượng phim không phải là mục tiêu của người sản xuất, mà chính là số lượng người xem phim. Phim được đánh giá có số lượng người xem cao, thu hút quảng cáo ào ào là coi như thành công. Đó cũng là lý do người Việt Nam sẽ phải còn coi phim hàng nhái dài dài trên màn ảnh nhỏ.

Sau Ngôi nhà hạnh phúc, Anh em sinh đôi (Có lẽ nào ta yêu nhau), Cô nàng bất đắc dĩ, Gia đình phép thuật… sẽ đến Anh em nhà bác sĩ… Người ta gọi đó là phim thị trường, và loại phim thị trường này đang làm mưa làm gió trên sóng giờ vàng màn ảnh nhỏ. 

Nhưng khi đã bão hòa với những đứa con lai xa lạ, những mối tình ướt át đẫm lệ với những chàng trai, cô gái mà cách hành xử rặt kiểu Hàn Quốc, bây giờ người xem lại mong mỏi biết bao được xem những thước phim của chính đất nước mình. Người ta nhớ Ma làng, Gió làng Kình, nhớ Ngọn nến hoàng cung, Dưới cờ đại nghĩa… bởi vì đó mới chính là chuyện của đất nước mình, là chuyện máu thịt của mình.

TFS đã làm được điều đó với Vó ngựa trời Nam và Vịt kêu đồng, VFC với Ngõ lỗ thủng và đang chuẩn bị phát sóng 52 tập Bí thư Tỉnh ủy theo nguyên mẫu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc…

Các hãng phim truyền hình vẫn là nơi khán giả kỳ vọng sản xuất các bộ phim phản ánh đời sống đất nước mình. Sâu xa hơn, nếu như các nhà đài không có sự điều tiết cân đối, nếu ngay cả những tháng hè, các loại phim tình cảm ướt át kiểu Hàn vẫn chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ thì e rằng các bậc phụ huynh sẽ còn khổ dài với trào lưu biết yêu từ tuổi lên 10 của các em nhỏ vì chịu ảnh hưởng quá lớn của các loại phim tình cảm Hàn Quốc hiện nay…

Ngô Ngọc Ngũ Long

Tin cùng chuyên mục