
Hài lòng với quy trình mới
Sau hơn 2 tuần chính thức hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp, lượng người dân tập trung nộp hồ sơ giải quyết TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã tăng đáng kể, trong đó các thủ tục thuộc lĩnh vực tư pháp, hộ tịch, sao y chứng thực chiếm khoảng hơn 50% số hồ sơ. Anh Nguyễn Văn Dũng (xã Dương Minh Châu) bày tỏ hài lòng với quy trình thực hiện các hồ sơ tại xã, khi việc chứng thực diễn ra khá nhanh, có lãnh đạo chủ chốt xã trực làm việc ngay khu vực tiếp nhận và trả hồ sơ. Anh Dũng cho biết: “Toàn bộ giấy tờ cần công chứng của tôi được giải quyết trong vòng hơn 5 phút. Trước đây, tôi phải đợi lâu hơn, do bộ phận tiếp nhận chờ gom hồ sơ trình lãnh đạo ký một lần, khu vực ghế chờ cũng tập trung đông người hơn, nhưng hiện nay thì khá thông thoáng”. Mặc dù trong giai đoạn đầu còn một số trục trặc kỹ thuật như đường truyền gián đoạn, nhưng cũng nhanh chóng được các đơn vị kỹ thuật kịp thời hỗ trợ, khắc phục. Việc làm quen với mẫu biểu, quy trình mới cũng được cán bộ cấp xã nhanh chóng thích ứng, đảm bảo tiến độ phục vụ người dân.
Tại xã Bến Cầu - xã giáp biên giới, theo báo cáo của Đảng ủy xã, trong thời gian đầu vận hành, do cán bộ, công chức xã có năng lực về công nghệ thông tin nên việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ thực hiện khá tốt. Theo Bí thư Đảng ủy xã Phan Văn Hòa, nhờ ứng dụng CĐS vào nhiều mặt công tác, nhất là ở Trung tâm Phục vụ hành chính công xã, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cơ sở đảm bảo thống nhất, người dân đến nộp hồ sơ và nhận kết quả thuận lợi, trôi chảy và chưa phát sinh các vướng mắc nào. Để bảo đảm bộ máy mới vận hành thông suốt, trước đó, xã đã quan tâm, chủ động bố trí cán bộ bảo đảm số lượng, phù hợp với chuyên môn và có kinh nghiệm trong công tác, tổ chức tập huấn và học tập kinh nghiệm trước khi vận hành thực tế.
Thúc đẩy chuyển đổi số
Sau khi sáp nhập tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, không gian địa lý của tỉnh được mở rộng, quy mô dân số tăng và khối lượng, hồ sơ tiếp nhận tăng hơn. Để chủ động tiếp nhận, xử lý khối lượng công việc lớn hơn, trước khi 2 tỉnh Tây Ninh và Long An hợp nhất, UBND 2 địa phương đã thống nhất một bộ TTHC sử dụng chung cho tỉnh Tây Ninh mới từ ngày 1-7. Trong đó, cấp xã có 297 thủ tục, cấp tỉnh 1.603 thủ tục. Trước đó, tỉnh cũng ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương về thúc đẩy CĐS liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đảm bảo hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các nền tảng dùng chung hoạt động cơ bản thông suốt, ổn định. Toàn tỉnh thống nhất sử dụng hệ thống dùng chung phục vụ chính quyền địa phương 2 cấp gồm hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống giải quyết TTHC, cổng thông tin điện tử, hệ thống thư điện tử, hệ thống thông tin báo cáo liên thông Chính phủ.
Cùng với việc cấu hình các TTHC vào nền tảng dùng chung, tỉnh Tây Ninh cũng triển khai song song các lực lượng hỗ trợ người dân nâng cao năng lực số, trong đó đáng kể là lực lượng tình nguyện viên được phủ kín ở 69 xã, phường trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn người dân nộp, tra cứu kết quả giải quyết TTHC trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cài đặt và sử dụng VNeID... Ghi nhận tại phường Bình Minh, tỉnh Tây Ninh, qua 4 ngày đồng hành hướng dẫn người dân thực hiện TTHC trên địa bàn phường (từ ngày 7 đến 10-7), các tình nguyện viên đã hỗ trợ người dân thực hiện thành công 450 hồ sơ, từ việc tư vấn thủ tục, viết tay hồ sơ giấy đến hướng dẫn nộp trực tuyến.
Theo Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Tây Ninh Nguyễn Trung Hiếu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công việc là xu thế và giờ đây không chỉ dành cho doanh nghiệp, tập đoàn lớn mà cả trong các cơ quan nhà nước. Tỉnh đang ứng dụng AI trên hệ thống hỏi - đáp, cổng xúc tiến du lịch… dự kiến tới đây sẽ ứng dụng AI trong xây dựng các quy trình nội bộ, giúp cán bộ, công chức, viên chức tối ưu hóa những công việc mang tính lặp đi lặp lại. Đồng thời, ứng dụng AI trong phân tích dữ liệu kinh tế xã hội, dữ liệu chuyên ngành phục vụ lãnh đạo trong công tác chỉ đạo điều hành trên dữ liệu số.