Nguồn nước trên dòng Mê Công đang kiệt một cách nghiêm trọng do nhiều nước đua nhau xây dựng đập thủy điện. Nhiều dự báo cho thấy, châu thổ miền Tây ở cuối dòng Mê Công sau khi đón lũ cực nhỏ sẽ đối diện với mùa khô khốc liệt. Câu chuyện sử dụng nguồn nước một cách thông minh đang là vấn đề nóng cho vùng sản xuất nông nghiệp.
Miền Tây “sống chung với lũ” là một quan niệm xuất hiện từ thập niên 90 của thế kỷ 20. Đây là một quan niệm “thuận thiên” để khai thác nguồn lợi từ dòng Mê Công, chứ không xem lũ là thiên tai. Đi đầu, hai tỉnh đầu nguồn lũ An Giang, Đồng Tháp bắt tay vào khai thác mùa nước nổi. Bước sang thế kỷ 21, cụ thể từ năm 2011 đến nay, ĐBSCL gần như không có lũ. Đây là tác động từ việc nhiều nước xây dựng đập thủy điện trên dòng Mê Công. Và hệ lụy của nó là châu thổ miền Tây liên tục đối diện với hạn và nước mặn xâm nhập khốc liệt. Đỉnh điểm là hạn mặn lịch sử năm 2016, làm hàng trăm ngàn hécta đất sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, hàng trăm ngàn người dân vùng ven biển thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Tiền Giang làm việc với lãnh đạo vùng ĐBSCL để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn mặn xâm nhập trong mùa khô vào cuối tháng 9-2020, cho thấy tính cấp bách ứng phó với hạn mặn tới đây. Nhìn lại vựa lúa miền Tây, đã có một thời huy động tổng lực để làm thủy lợi ngọt hóa bán đảo Cà Mau. Và cây lúa đã cơi nới trên diện rộng để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc khi Việt Nam dư gạo để xuất khẩu ra thế giới từ năm 1990 đến nay. Thật ra nước mặn không phải là một tai họa, vì người dân vùng bán đảo Cà Mau đã nhận ra giá trị từ nguồn tài nguyên. Từ năm 1997 đến 1998, đã có hàng trăm nông dân đòi phá các hệ thống cống - đập ngăn mặn để lấy nước nuôi tôm, điển hình là sự kiện tháng 7-1998, nông dân Bạc Liêu kéo nhau phá đập Láng Trâm (xã Tân Thạnh, huyện Giá Rai). Năm 2000, Chính phủ quyết định cho các tỉnh thành ĐBSCL chuyển đổi 450.000ha đất trồng lúa sang đất nuôi tôm - chủ yếu ở vùng ven biển.
Các nhà khoa học từ Viện Lúa ĐBSCL vừa đưa ra nhận định: Diện tích lúa có tưới ở ĐBSCL tăng từ 40% lên 70% chỉ trong 10 năm. Tuy nhiên, nhiều vùng còn bị thiếu nước trong mùa khô. Theo tính toán, đến năm 2025 khoảng 2 triệu hécta lúa có tưới vào mùa khô và 13 triệu hécta có tưới vào đầu mùa mưa ở châu Á rơi vào tình trạng thiếu nước. Nghiêm trọng hơn nữa hầu hết 22 triệu hécta lúa có tưới trong mùa khô ở Nam và Đông Nam Á sẽ bị thiếu nước. Cái khó của miền Tây hiện nay là thiếu nguồn nước ngọt từ dòng Mê Công, hệ lụy là nguồn nước khánh kiệt vào mùa khô, nước mặn từ biển có cơ hội lấn sâu vào nội đồng 60-70km, gây thiệt hại nặng cho nhiều vùng trồng cây ăn trái và người dân gặp nhiều khó khăn khi cần nguồn nước ngọt sinh hoạt.
Thực tế, các địa phương trong vùng cũng đã sớm nhận ra những tác động của hạn mặn nên đã chủ động chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây khác phù hợp hơn. Trong mùa khô năm 2020, các tỉnh trong vùng đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi trồng lúa sang trồng rau màu khoảng 45.300ha, trồng cây ăn trái 3.450ha, nuôi thủy sản các loại 1.200ha; chủ động thực hiện việc cắt vụ, giãn vụ khoảng 100.000ha đất lúa ở những khu vực khó khăn về nguồn nước.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn (Trường ĐH Cần Thơ), nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đã được nông dân các nơi triển khai, các đánh giá bước đầu các giải pháp này hoàn toàn phù hợp với những thay đổi tự nhiên và các biến động thời tiết, giúp cải thiện sinh kế, thu nhập và giảm thiểu rủi ro. Có thể kể ra các mô hình canh tác chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền lúa như mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, lúa - màu, lúa - cây ăn trái…, đồng thời kết hợp với chế biến nông sản, làm du lịch. Thực tiễn của nhiều nông dân sản xuất cho thấy, tổng thu nhập từ hệ thống canh tác lúa - bắp - lúa gia tăng 46,8% so với tổng thu nhập từ canh tác lúa - lúa - lúa. Đây là các mô hình chuyển đổi canh tác rất thuận thiên, theo hướng bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái và ứng phó hiệu quả với các biến động khí hậu (BĐKH); rất hợp lý với tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
ĐBSCL là vùng có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và trên 74,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng của quốc gia. Theo GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. BĐKH và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài, cấp bách để phát triển bền vững ĐBSCL. Thiếu nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp là một vấn đề ĐBSCL phải đối mặt trong dài hạn. Chính vì vậy, các địa phương cần hành động quyết liệt có chính sách giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hiệu quả, phát triển bền vững, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ.