Cơ hội trong đào tạo liên thông

Có bằng lại có nghề

Có bằng lại có nghề

Để tạo điều kiện cho các trường dạy nghề trên địa bàn TPHCM đang vào mùa tuyển sinh học nghề năm 2008, ngày 27-5, Sở LĐTB-XH TPHCM đã tổ chức hội nghị bàn các giải pháp để công tác tuyển sinh cũng như các quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ dạy nghề phát huy tác dụng. Tại hội nghị, những vướng mắc, bất cập trong việc đào tạo liên thông cũng như các giải pháp nhằm hướng đến công tác tuyển sinh đã được các bên tham gia đưa ra để cùng nhau tháo gỡ…

Cơ hội cho người học nghề nâng cao trình độ

Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐTB-XH TPHCM) Nguyễn Thành Hiệp cho biết, ngay sau khi Bộ LĐTB-XH ban hành quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ dạy nghề (ngày 6-5), ở góc độ quản lý nhà nước, Sở LĐTB-XH xác định liên thông là một chính sách chứ không phải là một mục tiêu. Chính sách đó đã làm cho nhiều người có cơ hội học nghề và mở ra rất nhiều con đường để họ nâng cao trình độ, bằng cấp. Trên địa bàn TPHCM, hiện có hàng chục ngàn học sinh đã và đang học hệ Công nhân kỹ thuật (tốt nghiệp được cấp bằng nghề), chính sách liên thông ra đời, là cơ hội để họ đạt trình độ trung cấp nghề (TCN) và cao đẳng nghề (CĐN). Vì vậy, Sở LĐTB-XH đã nhanh chóng ban hành hướng dẫn để các trường tạo điều kiện cho các em hoàn thành trình độ TCN trong năm nay. Đại diện các trường TCN, CĐN đều đồng tình với quy định cho liên thông từ hệ Công nhân kỹ thuật lên TCN. Và khi người học nghề đã có chứng chỉ TCN rồi thì cơ hội học liên thông lên CĐN thậm chí là vào các trường đại học (ĐH) sẽ không còn trở ngại nào khác.

Có bằng lại có nghề ảnh 1

Chính sách liên thông trong dạy nghề đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người học nghề nâng cao trình độ tay nghề.

Tại hội nghị, một trong những vấn đề mà lãnh đạo các trường quan tâm nhất hiện nay là làm thế nào để xây dựng được một mạng lưới liên thông thật sự thông suốt giữa các trình độ dạy nghề và giữa các trường nghề với nhau.

PGS-TS Tạ Văn Thành (Hiệu trưởng Trường TCN Việt Giao) cho rằng, không ít trường ĐH hiện nay đã lợi dụng chính sách liên thông để tiến hành mở các lớp từ TCN, CĐN rồi hứa sẽ liên thông “nội bộ” lên ĐH thậm chí là cả bậc thạc sĩ khiến cho công tác tuyển sinh của các trường nghề gặp khó khăn. Do vậy, hệ thống các trường dạy nghề cần phải có sự liên kết với nhau, ngoài việc thu hút học viên thì việc tạo cơ hội cho HSSV nâng cao trình độ, không sợ “tắc đường” khi học nghề là rất quan trọng.

Ví dụ như trường TCN A chỉ có đào tạo trình độ TCN về hàn, nếu học viên sau khi tốt nghiệp TCN hàn muốn học tiếp lên CĐN thì trường CĐN có đào tạo nghề hàn cần sẵn sàng tiếp nhận với điều kiện chấp nhận các chương trình đào tạo của trường TCN A và chỉ bổ sung các chương trình chưa đào tạo, không nên bắt học viên phải học lại các chương trình đã học. Như vậy vừa tiết kiệm cho nhà trường, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Lãnh đạo các trường đều thống nhất ý kiến này. Tuy nhiên, thực tế triển khai sẽ vấp phải một số khó khăn do chương trình đào tạo của các trường nghề về cùng một nghề hiện nay thường có sự khác nhau.

Ông Nguyễn Thành Hiệp cho rằng, các nghề đào tạo đã có chương trình khung (chương trình “cứng”) thống nhất do Bộ LĐTB-XH quy định chiếm từ 70%-80% nội dung, nên khi liên thông các trường chỉ cần bổ sung phần “mềm” (khoảng 20%-30%) từ chương trình đào tạo quy định riêng của từng trường. Để làm được việc này không quá nhiều khó khăn, nếu các trường có sự thỏa thuận, liên kết đào tạo. Trong năm nay và các năm sắp tới, việc triển khai liên thông đào tạo có hiệu quả thì đây sẽ là cơ hội rất lớn cho người học nghề trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp. 

Cần khẳng định thương hiệu trường nghề 

Qua trao đổi, lãnh đạo các trường đều cho rằng việc thu hút HSSV vào học nghề hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài những lý do đã biết đến lâu nay như: nhận thức của xã hội về trường nghề, định hướng nghề nghiệp trong giới trẻ… thì nay còn xuất hiện thêm một số nguyên nhân như việc ra đời quá nhiều trường CĐ, ĐH và các trường ĐH được phép mở các hệ Trung cấp chuyên nghiệp, CĐ rồi “liên thông nội bộ” lên đến bậc ĐH (thậm chí là cao học) khiến việc tuyển sinh tại các trường nghề gặp vô vàn khó khăn.

“Tuy nhiên, không hẳn các trường nghề không đủ sức để cạnh tranh, ngược lại, nếu có chiến lược đào tạo có chất lượng, công tác gắn kết với doanh nghiệp hiệu quả, thương hiệu nhà trường được khẳng định… thì việc thu hút người học nghề sẽ rất thuận lợi”, Hiệu trưởng Trường CĐN Kỹ thuật Công nghệ TPHCM Bùi Văn Tiện khẳng định. Đồng tình với nhận định này, Phó Hiệu trưởng Trường CĐN Giao thông vận tải Lê Văn Thông cho biết thêm, một khi trường nghề đã xây dựng được thương hiệu thì việc học viên chưa ra trường nhưng đã được các doanh nghiệp “đặt hàng” hết là thực tế đang diễn ra ở rất nhiều trường nghề, nhất là các nghề có nhu cầu cao trong xã hội hoặc các nghề mà việc đào tạo chỉ có ở trường nghề.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thành Hiệp lưu ý, các trường nghề cần thay đổi tư duy, không nên ngồi chờ, hoặc đợi các trường ĐH, CĐ tuyển sinh xong mới bắt đầu công tác tuyển sinh, mà cần phải chủ động đến với người có nhu cầu học nghề. Công tác hướng nghiệp, tư vấn học nghề phải tiếp cận được học sinh cuối cấp ở các trường phổ thông.

Trong điều kiện thông tin rộng mở hiện nay, phụ huynh và học sinh cũng đã bước đầu hình thành được định hướng nghề nghiệp và nếu các trường nghề đem đến được cho họ những hiệu quả thiết thực thì chắc chắn người có nhu cầu không có lý do gì để từ chối. Trước xu thế tất yếu hiện nay là nếu không có nghề và tay nghề cao thì không có việc làm, cơ hội cho các trường nghề là rất lớn. Chính sách liên thông rộng mở trong hệ thống các trường nghề, giữa các trình độ dạy nghề là điều kiện rất thuận lợi cho hệ thống đào tạo nghề TPHCM nói riêng và cả nước nói chung phát triển! 

NGỌC LỮ

Tin cùng chuyên mục