
(SGGP).- Thực hiện mục tiêu “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, Bộ GD-ĐT đã xác định rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2009-2010 là chấm dứt tình trạng đọc-chép. Đó là nỗ lực nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo ở người học, đồng thời kích thích sự chủ động trong việc tìm tòi và tiếp nhận tri thức của học sinh.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi kêu gọi chấm dứt kiểu dạy học cũ, chúng ta lại chưa có sự chuẩn bị cần thiết làm tiền đề cho các phương pháp dạy học mới tiến bộ hơn. Làm thế nào để việc đổi mới thật sự mang lại hiệu quả chứ không đơn thuần chỉ là việc “hô hào” dường như vẫn là bài toán khó đang đặt ra với các nhà giáo dục.

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh quận 1 TPHCM trong giờ học ngoại ngữ tại phòng Multimedia. Ảnh: MAI HẢI
Cuối tháng 7-2009, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn đã giới thiệu mô hình thư viện điện tử của trường. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư ước tính hơn 2 tỷ đồng nên dù đã có đề án nhưng cho đến nay, mô hình vẫn chỉ nằm trên giấy. Thực tế đáng buồn này không chỉ riêng ở Trường THPT Lê Quý Đôn, hầu hết các trường THCS và THPT công lập hiện nay đều chỉ có 2-3 phòng học hiện đại, học sinh chỉ được luân phiên vào học 1-2 tiết/tuần.
Cơ sở vật chất yếu kém, thiếu thốn trầm trọng là tình trạng chung của các trường. Thiết nghĩ, để đổi mới phương pháp giảng dạy, vấn đề mấu chốt là ngành giáo dục phải đề ra chiến lược đầu tư dài hơi về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc dạy học.
Trong chiến lược đó còn bao gồm cả việc bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên, để họ có thể vận hành tốt các thiết bị hiện đại vào việc giảng dạy. Tôi có đứa con gái hiện đang học lớp 11 tại một trường THPT. Cháu thường than nhiều thầy cô ở trường quá phụ thuộc vào giáo án điện tử. Mỗi tiết học chỉ có thời lượng 45 phút nhưng nhiều buổi học, cả lớp mất gần 15 phút cho việc... khởi động máy chiếu.
Hơn nữa, mặc dù đã cải tiến phương pháp giảng dạy nhưng nhiều thầy cô vẫn đọc lại những gì được chiếu trên màn hình, khiến cho việc đọc - chép trở thành nhìn-chép! Nền tảng cơ sở vật chất chỉ là điều kiện cần, chính yếu tố con người mới là điều kiện đủ, quyết định sự thành công của quá trình đổi mới.
Những điều kiện khách quan khác có thể ảnh hưởng đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy như sĩ số học sinh trong lớp học quá đông, không thể triển khai hình thức thảo luận theo nhóm; áp lực chương trình khá nặng… Ngành giáo dục cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể, trong đó nên phân bổ lại thời lượng và khối lượng chương trình hợp lý hơn để phát huy tính sáng tạo của người học.
Nói tóm lại, để chấm dứt kiểu dạy đọc-chép tồn tại lâu nay, ngành giáo dục không thể để các trường “tự bơi” mà phải có hướng dẫn, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời về nguồn tài lực, nhân lực lẫn phương thức tiến hành, bởi lẽ đổi mới phương pháp giảng dạy là một quá trình cải tiến toàn diện và cần một lộ trình cụ thể, nghiêm túc.
NGUYỄN TẤN (Q. Bình Thạnh TPHCM)