(SGGPO).- Dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Báo chí (sửa đổi) là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 18-2.
Một trong những vấn đề được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm là việc dự thảo Luật có nên điều chỉnh các trang thông tin mạng hay tiếp tục chế định vấn đề này bằng các nghị định, thông tư dưới luật như hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban VHGD, TNTN&NĐ Đào Trọng Thi trình bày báo cáo tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18-2
Đại diện cho cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban VHGD, TNTN&NĐ Đào Trọng Thi phân tích: các trang mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh, cơ quan quản lý nhà nước (CQQLNN) về báo chí và truyền thông không cấp phép, cũng không quản lý các trang mạng xã hội này, mà chỉ quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ mạng. Còn trang thông tin điện tử tổng hợp không phải do cơ quan, tổ chức sáng tạo nội dung tin, bài mà lấy thông tin từ các báo, biên tập lại và phát hành trên mạng. “Hiện nay, hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên như quy định của dự thảo Luật; còn trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội tiếp tục để văn bản về quản lý mạng internet điều chỉnh”, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi nêu quan điểm.
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng hoàn toàn nhất trí với quan điểm của cơ quan thẩm tra.
Tuy nhiên, nhiều thành viên UBTVQH chưa nhất trí với lập luận này. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu: “Các trang thông tin điện tử cũng đưa rất nhiều thông tin đến với độc giả; thậm chí còn có nhiều người đọc hơn cả báo giấy. Không được quản lý bằng luật này là “hở”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng nói: “Để đảm bảo quyền tự do báo chí đã được Hiến định thì những gì liên quan đến quyền này trong 2 nghị định hiện hành phải được Luật hóa”.
Phó ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ phân vân: “Đúng là các trang thông tin điện tử cũng bình đẳng trong cung cấp thông tin cho xã hội không khác gì báo chí, không điều chỉnh bằng luật là rất phức tạp”.
Có quan điểm tương tự, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói thêm, lượng người tham gia vào hoạt động thông tin trên mạng ngày càng tăng, trong khi công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu. Ông bình luận: “Không cải thiện được tình hình trong lĩnh vực này thì Luật mới đáp ứng 40% yêu cầu, 60% “trận địa” vẫn còn để trống”.
Thẳng thắn nêu yêu cầu dự thảo luật phải điều chỉnh cho được các vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Quyền tự do của con người, của công dân – theo Hiến pháp – chỉ có thể hạn chế bằng luật, không thể để trong nghị định. Có quy định là để quyền tự do được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Trong khi thông tin mạng rất nhiều, cứ nói là không chính thống, là “đi đêm”, nhưng đang xuất hiện giữa ban ngày, tác động đến xã hội rất lớn; dự thảo luật không thể bỏ qua”.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo theo hướng “phát triển đến đâu phải quản lý được đến đó”. Nếu còn nhiều điểm không xử lý được thỏa đáng thì thậm chí có thể phải lùi, chưa thông qua dự luật.
Một số đề nghị đáng lưu ý khác về dự thảo Luật Báo chí sửa đổi được các thành viên UBTVQH nêu tại phiên họp này bao gồm việc phân định rõ hơn trách nhiệm giữa người đứng đầu với tổng biên tập cơ quan báo chí; xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi thẻ đối với nhà báo; xác định mô hình hoạt động và nguồn thu của cơ quan báo chí…
ANH PHƯƠNG