Năm 2019, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng cuối cùng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vẫn đạt tới 41,3 tỷ USD. Năm nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và tình hình chính trị - kinh tế thế giới biến động mạnh, nhiều mặt hàng xuất khẩu không được như kỳ vọng, có thể khó đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, riêng xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện vẫn đang tiềm tàng sức bứt phá lớn, đứng trước rất nhiều cơ hội và thực sự giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Theo nhận xét của TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, đại dịch trên thế giới xảy ra thì nông nghiệp vẫn là ngành duy nhất cầm cự, xuất khẩu được. Sau đại dịch, khi kinh tế thế giới hồi phục thì ngành đầu tiên khôi phục được cũng chính là nông nghiệp. Do vậy, sức mạnh thực sự của Việt Nam là nông nghiệp và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Suốt 5-6 tháng qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 lan khắp thế giới, nhiều thị trường xuất khẩu bị đóng băng nhưng tin mừng vẫn liên tiếp đến với nông nghiệp Việt Nam. Đầu tháng 5, Chính phủ phải mở cửa xuất khẩu lúa gạo trở lại sau khi áp dụng hạn ngạch do nhu cầu nhập khẩu lương thực của thế giới tăng cao, giá gạo Việt Nam xuất khẩu vọt lên cao nhất trong nhiều năm qua.
Bộ Công thương cũng cho biết, thời gian gần đây có nhiều loại trái cây Việt Nam chinh phục được những thị trường có giá bán cao. Trong đó, chuối Việt Nam đã có mặt tại hàng trăm đại siêu thị ở Hàn Quốc. Trái vải thiều tươi Việt Nam đã lên đường sang Nhật Bản (mặc dù ban đầu có nguy cơ bị đình hoãn vì dịch Covid-19). Trong cuộc gặp mặt báo chí mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cũng thông báo kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đang dần hồi phục từ tháng 5…
Các doanh nghiệp Việt Nam đang có thiên thời, địa lợi để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vì ở trong nước dịch được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động sản xuất hồi phục nhanh chóng, nông dân cung ứng đủ nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan vẫn đang vật lộn với việc phong tỏa, cách ly chống dịch, chưa kịp phục hồi sản xuất để cung ứng nông sản ra thị trường thế giới.
Về thị trường nhập khẩu, mặc dù ở nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc… vẫn đang lây lan hoặc có nguy cơ bùng phát dịch trở lại nhưng theo dự báo, trong quý 3 Trung Quốc sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu nông sản, thực phẩm và giảm thuế do thiếu hụt. Sau dịch, thị trường Mỹ cũng sẽ có nhu cầu lớn về tôm, cá basa và nhiều loại thủy sản khác của Việt Nam. Thị trường EU thì đang dần kiểm soát được dịch bệnh (cùng với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU vừa được Quốc hội phê chuẩn) sẽ là cánh cửa rộng lớn cho nhiều loại nông sản, hàng hóa Việt Nam như rau quả chế biến, trái cây tươi, thủy sản và đồ gỗ.
Đúng như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả chiến tranh - dịch bệnh, con người cũng không thể thiếu “cái ăn” (lương thực, thực phẩm) và đây chính là dư địa, cơ hội lớn cho một đất nước có thế mạnh về nông nghiệp như Việt Nam. Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ nắm bắt cơ hội này như thế nào? Ngay từ bây giờ cần phải làm gì, chuẩn bị ra sao để đón đầu những thời cơ vàng cho hàng xuất khẩu, khi kinh tế thế giới phục hồi trở lại?
Vẫn là những câu chuyện cũ như phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, khai thác thêm các thị trường, tăng cường đàm phán để tháo gỡ rào cản cho nông sản, vượt qua phòng vệ thương mại, tận dụng ưu đãi thuế suất của các hiệp định thương mại. Song, các doanh nghiệp cần lưu ý, dù bối cảnh thế giới ra sao, thị trường nhập khẩu thiếu hụt như thế nào thì chất lượng, thương hiệu và nguồn gốc hàng hóa vẫn là số 1.
Do chưa thể dự đoán chắc dịch bệnh còn tiếp diễn trong bao lâu, kinh tế thế giới sẽ biến động như thế nào nên trước mắt chúng ta cần xác định tập trung khai thác, đẩy mạnh tăng trưởng tại những thị trường có lợi thế nhất, như mục tiêu đề ra là thị trường Trung Quốc phải tăng trưởng 10%; ASEAN tăng 9%; các thị trường khác cũng phải tăng 9% để bù đắp những khó khăn, sụt giảm tại thị trường Mỹ, EU thời gian qua.