Cơ hội phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông

Với hạ tầng sẵn có từ Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), Đại học Quốc gia TPHCM…, Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh hơn, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển của TPHCM nhờ sự kết nối chặt chẽ từ các trung tâm nghiên cứu, đào tạo nhân lực trình độ cao, ứng dụng KH-CN trong sản xuất.
Ban quản lý Khu Công nghệ cao xem quy hoạch các phân khu chức năng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ban quản lý Khu Công nghệ cao xem quy hoạch các phân khu chức năng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đẩy nhanh dự án Công viên khoa học

Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố là chiến lược phát triển có tầm nhìn 20 năm, được phân chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2020-2022), ban hành kế hoạch, khung phát triển tổng thể, các quy định về quy hoạch…; Giai đoạn 2 (2022-2030), xây dựng công trình tại các trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhóm và tạo mạng lưới liên kết; Giai đoạn 3 (2030-2040), quảng bá dự án quy mô quốc tế, thiết lập mạng lưới hợp tác toàn cầu.

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM Nguyễn Thanh Nhã, Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông được kỳ vọng là khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố và vùng TPHCM trong các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao với nhiều mục tiêu quan trọng: thu hút 50.000 dân cư đến sinh sống và làm việc, trong đó có khoảng 20.000 kỹ sư và chuyên gia; số lượng các phát minh, sáng chế tăng trưởng 100% sau 5 năm; hình thành quỹ đất phát triển khoảng 1.000ha, tập trung chính vào các trụ cột kinh tế sáng tạo có sẵn như SHTP…

PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP, cho biết, qua hơn 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, SHTP đã triển khai đồng bộ 7 phân khu chức năng, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao (CNC). Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98) sẽ giúp thúc đẩy Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố sớm hình thành, trong đó có Công viên khoa học.

Đến nay, SHTP đã thu hút được 160 dự án. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CNC tăng dần hàng năm: năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD, năm 2022 đạt 23 tỷ USD, và dự kiến năm 2023 đạt 26 tỷ USD.

“Nghị quyết 98 mở ra nhiều cơ hội thuận tiện hơn cho các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục tham gia vào hoạt động của SHTP vì thành phố sẽ có nhiều cơ chế để thu hút lực lượng chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về làm việc, đóng góp tại SHTP. Đội ngũ trí thức đang làm việc tại SHTP đã phát huy tốt vai trò, kinh nghiệm và có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của các đơn vị trong SHTP, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu, làm chủ công nghệ ở một số lĩnh vực với các sản phẩm CNC đang được thương mại hóa và giúp mở rộng quan hệ quốc tế…”, PGS-TS Nguyễn Anh Thi chia sẻ.

Với dự án Công viên khoa học, Nghị quyết 98 sẽ thúc đẩy hình thành công viên này nhanh hơn nhờ các cơ chế, chính sách đặc thù. Dự án Công viên khoa học công nghệ sẽ thực hiện trong 10 năm, giai đoạn 2024-2034, quy mô diện tích 194,8ha với các phân khu chức năng. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 14.700 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 13.700 tỷ đồng, vốn huy động doanh nghiệp hơn 1.000 tỷ đồng.

“Nghị quyết 98 đang từng ngày đi vào cuộc sống nên trong thời gian tới, việc xây dựng Công viên khoa học sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, góp phần phát triển công nghiệp của thành phố và hình thành nên bức tranh tổng thể của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông”, PGS-TS Nguyễn Anh Thi bày tỏ.

Hình thành trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam

Trong Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, SHTP là trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học, nghiên cứu phát triển, tự động hóa sản xuất, thiết kế đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm mang tính đột phá. SHTP cùng với Đại học Quốc gia TPHCM, trung tâm CNTT và công nghệ giáo dục mở rộng khả năng nghiên cứu, sáng tạo thông qua việc tăng sự hợp tác và cọ xát với nhiều ngành công nghiệp sáng tạo khác nhau... Hai khu này sẽ hình thành nên trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam, tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo với chi phí hạ tầng rẻ nhất để khuyến khích các hoạt động kinh tế khởi nghiệp.

Liên kết nghiên cứu công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Đại học Quốc gia TPHCM đã xác định mục tiêu tổng quát giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030: Đổi mới đột phá về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng; tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Về mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 bắt kịp các trường đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực Đông Nam Á ở một số lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu; đến năm 2030 trở thành khu đô thị xanh, thông minh và thân thiện, là một hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố.

Đại học Quốc gia TPHCM và UBND TPHCM đang thực hiện chương trình hợp tác với nhiều nội dung quan trọng như đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế cho “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số của TPHCM”; bồi dưỡng kiến thức, năng lực lãnh đạo, quản trị tiên tiến, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở nhu cầu của TPHCM; nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, đề xuất các mô hình, cơ chế có tính đột phá nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, đột phá, đặc thù của TPHCM theo đặt hàng của UBND TPHCM.

“Những kết quả bước đầu của Đại học Quốc gia TPHCM trong việc tham gia phát triển kinh tế tri thức ở TPHCM giai đoạn 2016-2020 cũng như các định hướng giải pháp và sản phẩm giai đoạn 2020-2030 đã khẳng định vai trò và trách nhiệm của Đại học Quốc gia TPHCM trong việc gắn kết với thành phố, là trụ cột của thành phố trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, tư vấn xây dựng và phản biện chính sách trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế tri thức”, PGS-TS Vũ Hải Quân chia sẻ.

Đại học Quốc gia TPHCM dành nguồn vốn đầu tư công hoặc kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hình thức hợp tác công tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Trung tâm dữ liệu, Khu công nghệ phần mềm, Khu dịch vụ sinh viên, Khu thể thao phức hợp trong khuôn viên Đại học Quốc gia TPHCM trên diện tích đất sạch, đã được quy hoạch…

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, là hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, từ nay đến năm 2025, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ đầu tư xây dựng nhiều dự án quan trọng như: đầu tư 450 tỷ đồng xây dựng Trường Đại học Sức khỏe, hơn 400 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo lớn nhất khu vực Đông Nam Á... Cố gắng đến năm 2025, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ hoàn thành xây dựng Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM. Đặc biệt, khi Nghị quyết 98 được triển khai với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù thì các chương trình mục tiêu về phát triển kinh tế tri thức, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo của TPHCM sẽ đạt kết quả như kỳ vọng.

Xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững

Mục tiêu phát triển định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của Đại học Quốc gia TPHCM đã xác định: Không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Như vậy, đổi mới sáng tạo, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh bền vững - những nhân tố chính của nền kinh tế tri thức là những mục tiêu phát triển của TPHCM.

Tin cùng chuyên mục