Chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm 2015 - hạn chót giải tỏa xong các chợ tự phát trên địa bàn TPHCM, theo Chỉ thị 26/2014/CT-UBND của UBND TP ban hành ngày 17-9-2014. Thế nhưng, thực tế đã tròn 1 năm thực hiện Chỉ thị 26, trong số 170 chợ tự phát trên khắp địa bàn TPHCM, chỉ mới có vài chợ giải tỏa được.
Chợ tự phát tại hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng (phường Bến Thành, quận 1)
Chợ tự phát vẫn nhộn nhịp
Chỉ về phía hàng chục quầy rau quả, hải sản… được bày tràn xuống chiếm gần 1 mét chiều rộng lòng đường ở chân cầu Nguyễn Văn Cừ (quận 5), ông Phạm Đình Đông (ngụ gần đó) cho biết: “Chợ này mới hình thành vài tháng nay thôi, nhưng không bị giải tỏa, ngăn chặn kịp thời, nên nay có rất nhiều quầy thực phẩm bán vào buổi sáng và xế chiều. Tuyến đường này ngay dốc cầu lúc nào cũng đông đúc xe cộ, cứ phải nối đuôi nhau nhích từng chút, vậy mà lại để người bán thản nhiên chiếm lòng lề đường”. Tượng tự, từ đường Đỗ Xuân Hợp rẽ vào các đường Số 6 và Số 22 (phường Phước Bình, quận 9), đi sâu vào chừng hơn chục mét là cảnh bày bán tràn lan hàng rau, thịt, cá tôm và các loại quần áo, đồ gia dụng, lấn ra chiếm gần hết mặt đường khiến xe cộ rất khó lưu thông. Chị Hằng (ngụ gần đó) cho biết: “Chợ tự phát này càng ngày càng nối dài và rộng ra, người bán đua nhau trải bạt bày hàng xuống tận lòng đường. Chẳng ai quan tâm nhắc nhở”.
Còn nhiều chợ tự phát nữa, như chợ tự phát gần Khu công nghiệp Tân Tạo, chợ tự phát hẻm 430 Cách Mạng Tháng Tám (phường 11, quận 3), chợ tự phát trên đường Lê Đức Thọ (phường 13, quận Gò Vấp)… vẫn mặc nhiên hoạt động. Thậm chí, ngay trung tâm quận 1, chợ tự phát hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng (phường Bến Thành) vẫn hoạt động rầm rộ nhiều năm nay. Để vào được trong hẻm, chỉ còn cách duy nhất là gửi xe ở đầu hẻm rồi lội bộ vào. Cư dân trong hẻm này cho biết, hơn chục năm nay họ không dám mời khách tới nhà chơi, bởi cả ngày trong nhà đều bị mùi cá, thịt xông vào. UBND quận 1 đã có kế hoạch giải tỏa trắng chợ tự phát hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng, kế hoạch được xây dựng và thực hiện trong giai đoạn 2009-2015, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Diện, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Thành: “Thời gian qua phường chỉ nhận được chỉ đạo của quận về việc rà soát thực trạng số hộ buôn bán và nguyện vọng của họ khi giải tỏa chợ, chứ chưa nhận được lộ trình và mốc thời gian giải tỏa cụ thể. Hiện tại chợ tự phát này có 64 hộ đang kinh doanh và phần lớn các hộ đã sẵn sàng di dời nếu được quận hỗ trợ về điểm kinh doanh mới trên địa bàn quận 1. Đây là một trong những gợi ý mà quận đưa ra khi chỉ đạo phường đi khảo sát ý kiến của các tiểu thương. Điều đó có thể thấy rằng người dân cũng đã biết về quy hoạch của quận 1 và của thành phố, nên nếu được hỗ trợ thỏa đáng thì họ sẽ sẵn sàng ủng hộ”.
Chỉ thị 26 không phải là chỉ thị đầu tiên của UBND TP liên quan đến việc giải tỏa chợ tự phát. Trước đó, ngày 12-2-2009, UBND TPHCM đã có Quyết định 17 về quy hoạch định hướng phát triển hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại trên toàn địa bàn TPHCM giai đoạn 2009-2015. Theo đó, phải kiên quyết xóa tất cả các điểm, khu vực mua bán tự phát trên địa bàn TPHCM. Trước đó nữa, tại Quyết định 144 ngày 11-8-2003 của UBND TPHCM, quy định đến năm 2010 phải dẹp hết các chợ tự phát. Nhắc lại như vậy để thấy rằng UBND TPHCM đã rất quan tâm vấn đề dẹp các chợ tự phát trên địa bàn và ban hành nhiều quyết định, chỉ thị để tổ chức thực hiện việc này. Vậy, nguyên do gì khiến loại hình chợ tự phát vẫn tiếp tục tồn tại, thậm chí phát sinh thêm?
Phải quyết tâm hơn
Trả lời phóng viên Báo SGGP về việc giải tỏa chợ tự phát trên địa bàn, hầu hết lãnh đạo các phường đều than khó dẹp bởi vô vàn lý do, như thái độ chống đối của người bán; chợ ở vị trí giáp ranh nên phường này đuổi thì người bán tạm chạy sang phường khác; lực lượng mỏng nên không thể trực chốt ngăn họp chợ… Thật ra cũng đã có phường đã làm được việc dẹp dứt điểm chợ tự phát. Phường Tân Định (quận 1) đã dẹp được chợ lề đường Bà Lê Chân sau một thời gian dài địa phương ra quân chấn chỉnh.
Ông Trần Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Định, cho biết: “Lực lượng của phường đã trực chốt, thực hiện đồng bộ giữa việc vận động và xử phạt cả người mua và người bán nếu họ cố tình vi phạm. Cho đến nay, về cơ bản đường phố đã gọn gàng và thông thoáng”. Ban điều hành khu phố 1 phường 7 (quận Tân Bình) cũng đã dẹp thành công chợ tự phát hẻm 1073 Cách Mạng Tháng Tám. Mới đây nhất, phường Cầu Ông Lãnh (quận 1) cũng đã xóa thành công chợ tự phát họp dưới dạ cầu Ông Lãnh. Khu vực này vốn là chợ Cầu Muối cũ, khi chợ bị giải tỏa, rất nhiều tiểu thương bám trụ lại và hình thành chợ tự phát. Ông Trần Công Hậu, Chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh, cho hay: “Toàn thể các ban ngành, đoàn thể của phường đã tham gia vận động, trực chốt liên tục. Sau 10 ngày thực hiện đã có hiệu quả nhưng để dẹp dứt điểm, các tổ công tác vẫn tiếp tục theo dõi và kịp thời xử lý, nên hiện không có tình trạng tái diễn như trước đây. Tôi nghĩ, nếu quyết tâm xây dựng kế hoạch và tập trung lực lượng thì sẽ chấn chỉnh được chợ tự phát”.
Thật ra cũng không hẳn chỉ như vậy là đủ, muốn giải tỏa xong toàn bộ chợ tự phát trên địa bàn TPHCM, rất cần những giải pháp vận động, quy hoạch, quản lý căn cơ đồng bộ phù hợp tâm lý, văn hóa, xu hướng phát triển kinh tế - xã hội. Để đáp ứng yêu cầu đó, cần có công trình nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc.
THU HƯỜNG